Tuyển tập Tiếng Gọi Ngàn – Đoàn Giỏi

Tuyển tập Tiếng Gọi Ngàn – Đoàn Giỏi

[toc]


Giới thiệu ebook

Tuyển tập Tiếng Gọi Ngàn – Đoàn Giỏi


Ngoài Đất rừng phương Nam nổi tiếng nhất, nhà văn Đoàn Giỏi còn những tác phẩm có tiếng vang về phương Nam như: Rừng đêm xào xạc, Cá bống mú, Tê giác trong ngàn xanh, Tiếng gọi ngàn. Vào năm 2005, NXB Văn hóa – Thông tin đã đưa những tác phẩm này vào bộ Đoàn Giỏi tuyển tập, bên cạnh 17 truyện ngắn, ký sự và biên khảo – mà chỉ cần đọc tựa, ta đã thấy tò mò muốn đọc tiếp: Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn, Thiện Dần đánh cọp, Sự tích núi Trái Vải, Chuyến xe thổ mộ ngày giáp tết, Chú bé Hà Nội và con ó lửa trên Đồng Tháp Mười, Vài nét về cá sấu, Vài nét về cá mập, Con bạch tuộc khổng lồ, Ngựa thần, Chuyện về con voi, Tổ tông nhà hổ, Rồng hay là rắn biển?, Người và đất Cà Mau, Bước đường khai phá, Người và đất Đồng Tháp, Cuộc truy tầm kho vũ khí.

Nhà văn Đoàn Giỏi (1925 – 1989) quê ở Tiền Giang. Ông sáng tác từ năm 17 tuổi với tác phẩm đầu tiên Nhớ cố hương đăng ở Tạp chí Nam kỳ. Làm bộ tuyển tập này, NXB Văn hóa – Thông tin đã trân trọng viết trong lời giới thiệu: “Các tác phẩm của ông không chỉ thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa số phận của người dân với vận mệnh của đất nước, mà trong cái rộng lớn là Tổ quốc, ông còn thể hiện một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, hòa quyện trong đó cảnh sinh hoạt, phong tục, tập quán, cảnh sắc thiên nhiên và nhất là tính cách và tâm hồn của người Nam bộ… Với vốn sống phong phú về vùng đất phương Nam, với niềm say mê, tìm tòi, khám phá, những tác phẩm của ông luôn sống cùng thời gian, để lại cho người đọc sự trong trẻo, hồn nhiên và cái cao cả trong tình người. Phải nói rằng Đoàn Giỏi là cây viết về thiên nhiên Nam bộ hay nhất từ trước tới nay”.

***

Tuyển tập Tiếng Gọi Ngàn gồm có:

  • Cây Đước Cà Mau
  • Chim Bay Trên Trời Hà Nội
  • Chuyến Xe Thổ Mộ Ngày Giáp Tết
  • Rừng Đêm Xào Xạc
  • Tiếng Gọi Ngàn
***
Cứ vài ba tháng là bà con ấp Kèo Nèo lại rủ nhau tổ chức đi “săn hội” một lần. Bởi lâu ngày thèm thịt, ăn mãi cá tôm phát chán cũng có. Bởi thích thú được chạy nhảy đuổi bắt, hò la thỏa sức cũng có. Đối với các tay lì lợm có chút ít võ nghệ thì đó là dịp phô phang tài trí, đem gan góc ra thử thách, đối chọi với nanh vuốt các con vật rừng hung hãn nhất. Đàn ông trai tráng tích cực, tất nhiên. Mà đàn bà trẻ con yếu ớt cũng hăng hái theo phụ trợ. Bởi các con thịt lớn săn được, đều có phần chia cho từng nhà, còn con nào nho nhỏ thì gia đình ai bắt được nấy ăn. Và cũng bởi trong các câu chuyện kể ở các tiệc nhậu giỗ, nhậu cưới… thì chuyện đi săn được thực khách đứng ra biểu diễn lúc chính mình đánh nhau với ác thú, bao giờ cũng là tiết mục hấp dẫn, hồi hộp, khoái trá được mọi người hoan nghênh nhất. Mà ở cái xứ rừng heo hút của đất Gò Quao – trong những năm hai mươi của thế kỷ chúng ta đang sống đây – đã gọi là tay “võ dõng” thì nào ai há chịu kém ai. Chính vì thế mà hầu như không có mấy con vật rừng sống sót, mỗi lần họ tập hợp hàng đôi ba trăm người hăm hở kéo nhau gõ thùng thiếc, khua chiêng, huơ dáo mác vây kín một khu rừng nào đó, từ lúc mặt trời còn chưa ló dông. Từ hổ báo, lợn rừng, nai, hoẵng, khỉ, vượn, chim nước, kỳ đà, rùa, rắn… cho tới con nhen, con sóc vừa giật mình thức dậy nhô đầu ra khỏi bộng cây, con chuột nhum ăn đêm chưa kịp về đến tổ chui xuống hang cũng đều khó lòng thoát khỏi tay họ. Nói chung tất cả các loài bò, bay, lủi, chạy trong khu rừng bị bao vây đều biến thành mồi nhậu của những bữa rượu kéo dài thâu đêm. Vậy mà lần nọ, có một con lợn rừng con thoát chết. Lợn rừng mẹ đã chống cự quyết liệt để bảo vệ con. Bị mác thông đâm lút cán, nó không ngớt hộc lên dữ dội còn ngoẹo cổ cắn nát chiếc mác thông và húc mấy người suýt toi mông. Hạ được mẹ rồi, họ nổi khùng giết luôn cả đàn con. Còn một con chui trốn vào gốc cây. Khi một ngọn mũi chuồi vừa chong ra, sắp sửa chọc vào hông con vật rừng bé nhỏ thì chú Tư Đằng trưởng ấp phát hiện thấy nó có cái vá trắng giữa trán, bèn la lớn:

– Dừng tay lại! Đừng đâm… Đừng đâm nghe các cha nội!

– Tại sao? – Người toan đâm mặt đầy sát khí, hầm hầm quay lại hỏi.

– Linh vật đa! Không thấy cái đốm giữa trán nó sao? Từ nhỏ tới giờ tôi mới thấy giống heo rừng có con này là một.

– Vậy mà thả nó sống để nó lớn lên thành tinh à?

– Thả đâu! Bắt về chứ! Để bắt nó về tặng thầy giáo Bảy! Nhờ cái vá trắng giữa trán và lòng mến mộ thầy giáo Bảy của bà con ấp Kèo Nèo mà con lợn rừng con này thoát chết.

o O o
Thầy giáo Bảy thích nuôi chim, nuôi khỉ, nuôi trăn… Khi chúng quen người và lớn rồi, thầy thả sống tự do chứ không giam nhốt. Dường như con nào cũng “khôn”, rong chơi chán- có khi đến vài ba tháng – lại biết tìm về nhà chủ. Nhưng rốt cuộc thầy không còn con nào. Có thể chúng sa hầm vướng bẫy, thọ tên chết ở một cánh rừng nào đó; cũng có thể chúng ra đi theo tiếng gọi của núi rừng và giống loài muôn thuở cũng nên. Thiệt là Uổng công xúc tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây! Cũng đã có vài người tiếc hộ công linh, chê thầm thầy như vậy. Thầy Bảy được tiếng là người có tài thuyết phục các con vật rừng mà ai cũng cho là khó nuôi dạy. Nhiều lúc thầy ngồi suy tư hàng giờ, con trăn bò lên cổ, quấn quanh người, thè lưỡi liếm mặt, thầy cũng không động đậy. Chú Tư Đằng từng nghĩ: ắt thầy là người khai sáng một thứ đạo gì đó, chẳng qua “phong vân chưa gặp hội” nên còn “ẩn tích mai danh”, chưa ra mặt cứu đời. Cho nên khi ôm con lợn rừng con đến tặng thầy, chú có nói vui, giọng thật thà: “Biết đâu nó cũng là một Thiên bồng nguyên soái phải đọa xuống trần cũng nên!”. Thầy Bảy cười, cảm ơn chú rối rít, rồi lại lắc đầu cười mà chẳng có ý kiến nhận xét, bình phẩm gì. Nói cho “miên” thì bà con chẳng ai rõ lai lịch thầy Bẩy. Người thì bảo: chắc ông thất tình hoặc trốn nợ; kẻ cho rằng: có chữ nghĩa như ông, ra làm việc thông ngôn ký lục dễ như chơi, lại bỏ trốn thị thành lánh về xứ khỉ ho cò gáy này, sống như một nông dân lam lũ, là ông muốn tỏ thái độ bất hợp tác với nhà nước Pháp… Tất cả những tiếng xì xầm ấy đều có đến tai thầy. Thầy chỉ mỉm cười. Mà điều này, chánh hương quản ở tận trên “nhà việc” cách hai mươi cây số cũng có để mắt tới. Nhất hông là chuyện khi mới về đây, thầy thường khuyên nhủ bà con cố gắng cho con cháu đi học để “mở mang tâm trí”. Biết vậy, nhưng mà học ở đâu?

Ngay cả xã và làng phụ cận cũng không có lấy một trường tiểu học? Hương chức hội tề nhiều ông còn dốt đặc cán mai, tập được một chữ ký tên đã là khá lắm. Thầy xin phép làng, đứng ra dạy các em học tại nhà mình không lấy một đồng xu cắc bạc nào: trò nào nghèo quá thầy còn cấp thêm cho cả giấy bút. Bà con dân ấp cảm phục nghĩa cử ấy, mặc nhiên gọi ông là thầy giáo. Lâu ngày thành một danh xưng. ở thời buổi đế quốc tư bản Pháp khuếch trương kinh tế lớn tại các thuộc địa sau đại chiến thế giới thứ nhất, giữa lúc mọi người bon chen theo đường danh lợi, giữ mình thanh khiết được như thầy là chuyện hiếm. Thầy cất một ngôi nhà sàn nhỏ ngoài đầu xóm, xin phá đất cấy một khoảnh ruộng nhỏ đủ gạo ăn; cũng đi “ăn ong”, đốn củi như mọi người. Ngoài những giờ lao động, thầy lấy sự dạy trẻ và chăm sóc các con vật rừng làm vui. Hầu như thế sự gác ngoài tai.

Mời các bạn đón đọc Tuyển tập Tiếng Gọi Ngàn của tác giả Đoàn Giỏi.

Download ebook

Tuyển tập Tiếng Gọi Ngàn – Đoàn Giỏi


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Tuyển tập Tiếng Gọi Ngàn – Đoàn Giỏi Tweet! Ngoài Đất rừng phương Nam nổi tiếng nhất, nhà văn Đoàn Giỏi còn những tác phẩm có…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose