Nửa Mặt Trời Vàng – Chimamanda Ngozi Adichie

Nửa Mặt Trời Vàng – Chimamanda Ngozi Adichie

[toc]


Giới thiệu ebook

Nửa Mặt Trời Vàng – Chimamanda Ngozi Adichie


Chimamanda Ngozi Adichie đã mang đến một tác phẩm thông minh, hy vọng và từ bi cho lịch sử đau đớn của Biafra trong cuốn tiểu thuyết “Nửa mặt trời vàng”.

Để nắm bắt được câu chuyện của cuốn tiểu thuyết này, trước hết cần biết về địa danh Biafra. Đây là một bang ly khai của miền Đông Nigeria, chỉ tồn tại được ba năm, và tên nó đã trở thành khẩu hiệu toàn cầu trong cuộc chiến tranh chống nạn đói.

Cuốn tiểu thuyết Nửa mặt trời vàng tập trung vào câu chuyện của hai chị em sinh đôi, Olanna và Kainene, con cái của giới tinh hoa. Họ phải đấu tranh với lòng trung thành với sự thất vọng và phản bội.

Du học Anh quốc trở về, hai chị em song sinh Olanna và Keinene với hai tính cách trái người đã đi theo hai con đường khác nhau. Keinene nối nghiệp cha – một ông trùm có thanh thế của miền Bắc Nigeria, và bắt đầu mối tình với Richard, một người say mê nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Igbo. Còn Olanna chuyển đến sống cùng anh chàng “người tình cách mạng” Odenigbo của mình, họ tìm được sự hòa hợp tuyệt đối về tâm hồn và chí hướng.

Olanna là một mẫu người phụ nữ cũ, yêu chồng và chăm con, nhân ái với người giúp việc, hòa hợp với láng giềng và bạn bè, vâng lời cha mẹ, chiều chuộng người chị sanh đôi của mình. Là cô gái con nhà giàu lái xe hơi riêng, được chàng công tử Hausa tên là Mohammed yêu say đắm nhưng Olanna từ chối tình yêu này để chọn yêu một anh giảng viên nghèo thích làm cách mạng.

Chiến tranh khiến cuộc sống của nàng trở nên nghèo khó, thiếu thốn đến độ không có cả cháo ăn với cá khô (một món ăn của dân nghèo mà Olanna có dịp chứng kiến ở nhà láng giềng của người cậu khi Olanna đến thăm cậu). Tình yêu của Olanna và Odenigbo là một tình yêu rất bình thường.

Trong khi đó, Keinene lại là điển hình cho mẫu người phụ nữ hiện đại, cá tính mãnh mẽ, quyết liệt. Cô có một mối tình với Richard, nhưng bản thân cô luôn băn khoăn, cô xem trọng sự nghiệp, và luôn thể hiện bản lĩnh trước mọi sóng gió của đời sống.

Khi cuộc nội chiến Biafra còn trong thời kỳ phôi thai, Kainene đã viết một lá thư ngắn, trong đó cô phân vân: “Có phải tình yêu là cái nhu cầu đặt không đúng chỗ mà hầu như lúc nào em cũng cần có anh bên cạnh? Có phải tình yêu là cái cảm giác an toàn em cảm thấy trong sự im lặng của hai đứa mình? Có phải là cái cảm giác chúng ta thuộc về nhau, cái cảm giác có đầy đủ mọi thứ khi chúng ta có nhau?”

Trong tình yêu, cô gái da đen tuyệt đối là người cầm cương, dẫn dắt chàng trai da trắng vào thế giới của cô. Có lẽ, hình tượng Kainene cũng chính là một ẩn dụ nghệ thuật mà tác giả muốn hướng đến, trong mối quan hệ giữa châu Phi và nền văn minh phương Tây.

Cuốn tiểu thuyết được kể qua những quan điểm lồng vào nhau của ba nhân vật: Ugwu, chú bé nhà quê 13 tuổi, ít học, mê tín, ngô nghê, thần tượng hóa ông chủ và bà chủ của chú là Odenigbo và Olanna. Ugwu thông minh, ham học, được sự bảo bọc và thương yêu của hai vợ chồng Odenigbo – Olanna. Chú cũng yêu thương gia đình chủ như chính gia đình mình.

Olanna, một phụ nữ thượng lưu của Biafra đã từ bỏ cuộc sống tươi đẹp của mình để đến sống cùng người yêu, chàng giáo sư nghèo, Odenigbo; và Richard, một nhà báo Anh, nhận được tài trợ để viết một cuốn tiểu thuyết Nigeria.

Cuộc sống đẩy ba nhân vật chính đến Nsukka, ở phía Nam Nigeria, nơi trở thành trung tâm của cuộc nội chiến ở nước này.

Adichie đã đào sâu cuộc xung đột chính trị này, tạo nên nhưng căng thẳng về kinh tế, sắc tộc, văn hóa và tôn giáo giữa các dân tộc khác nhau của Nigeria, để rồi sau đó làm bật lên những hậu quả nặng nề về tình cảm và những tổn thương tâm lý đối với mỗi nhân vật. Đồng thời khắc họa một vùng đất xa xôi, oằn mình trong bi thương mà rực rỡ và say đắm.

Đây là một cuốn tiểu thuyết siêu việt với nhiều vấn đề sắc xảo, trong đó đã làm bật rõ ảnh hưởng tàn bạo của cuộc chiến tranh đối với nông dân và trí thức, là một bài học lịch sử trong hình thức hư cấu, được viết một cách mạnh mẽ, đầy đặn, chảy trôi.

Lối kể chuyện của Adichie trong cuốn tiểu thuyết dù không phong phú, có đôi lúc khá nghèo nàn, đơn thuần, nhưng khi viết về lòng trung thành và sự phản bội, nữ nhà văn tỏ rõ bút lực của mình nhất, với những trang viết thấm đẫm đời sống. Cô dường như là người rất thích đặt nhân vật của mình tại các ngã tư, nơi những giá trị trái ngược đụng độ và va chạm nhau.

Những tác phẩm văn học phản ánh cuộc chiến Biafra đã có một lịch sử khá lâu đời với những tác phẩm của các nhà thơ Christopher Okigbo, đến Chinua Achebe, Cyprian Ekwensi và Flora Nwapa. Sinh năm 1977, Adichie không sống trong giai đoạn nội chiến, nhưng trí tưởng tượng của cô dường như được hình thành từ đó: Một số thành viên trong gia đình cô sống sót qua Biafra, một số khác thì không.

Và giống như nhà văn trẻ người Mỹ Tom Bissell, người mà cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành một người say mê định hình thông qua người cha cựu chiến binh bị tàn phế, Adichie tiếp cận bạo lực trong quá khứ của đất nước với sự pha trộn giữa khoảng cách thế hệ và ám ảnh gia đình.

Sự xa lạ và gắn bó này mang lại cho Nửa mặt trời vàng một giai điệu đồng cảm, xúc động, vượt lên những câu chuyện về anh hùng, bạo lực hay quỷ dữ.

Nền văn học Nigeria dường như còn khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam.   sẽ là một cơ hội thú vị để làm quen và hiểu về lịch sử đất nước Nigeria của lục địa đen. Chắc chắn bạn sẽ hoàn toàn bị hấp dẫn bởi những chi tiết sinh động của cuốn sách này với bối cảnh là cuộc nội chiến Biafra.

Chiến tranh và những hậu quả do chiến tranh gây ra như chết chóc, tàn phá, đói kém… ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có những điểm giống nhau. Nỗi đau đớn do cuộc chiến Biafra mang đến cho mỗi người dân Nigeria trở nên thêm sâu sắc, bi thương bởi sự kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, giai cấp.

Chimamanda Ngozi Adichie hiện nay được coi là nhà văn nữ trẻ tuổi xứ Nigeria xuất sắc nhất từ khi quyển tiểu thuyết Nửa mặt trời vàng có số bán hàng triệu bản trên khắp thế giới và được trao tặng giải thưởng văn chương Orange của Anh quốc.

***

Đây là một quyển sách phong phú về lịch sử, lấy chiến tranh Biafra làm bối cảnh và bao gồm mấy chủ đề có thể được phân tích. Chúng ta có thể đọc quyển sách này qua chủ đề kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, giai cấp trong một quốc gia hay có thể nhìn qua một lăng kính đơn giản hơn, đó là cuộc đời và chuyện tình của hai chị em song sinh trong thời chiến tranh. Tuy nhiên đối với tôi, một độc giả Việt Nam, thì điểm quan trọng nhất trong Nửa Mặt Trời Vàng chính là cuộc nội chiến Biafra có nhiều điểm tương đồng với chiến tranh Việt Nam. Một trong những điểm tương đồng này là, tuy là nội chiến nhưng lại có một hay vài cường quốc “giật dây” phía sau. Cũng giống như chính quyền Pháp đã chia Việt Nam thành ba miền và áp dụng chính sách chia để trị, chính quyền Anh đã chia Nigeria thành ba miền và lợi dụng sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo, sắc tộc để chia rẽ nội bộ Nigeria. Để bạn đọc tiện theo dõi cốt truyện lồng vào bối cảnh lịch sử chiến tranh Biafra, tôi xin giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành cuộc nội chiến này.

Vào năm 1885, sau cuộc chiến tranh với Napoleon, đế quốc Anh bành trướng sang châu Phi. Năm 1901, Nigeria chính thức nằm dưới sự bảo hộ của Anh. Con sông Niger chảy từ miền Tây Bắc của Nigeria gặp sông Benue chảy về hướng Đông Nam tạo thành hình chữ “Y” chảy dọc xuống miền Nam, chia Nigeria thành ba miền. Miền Bắc cua Nigeria có diện tích lớn nhất và dân số đông nhất, đa số là người Hausa-Fulani và theo tôn giáo Muslim. Người dân vùng này sinh sống bằng cách khai thác quặng mỏ và buôn bán. Họ tuân phục các vị tiểu vương Hồi giáo gọi là Emir. Các Emir là lãnh tụ cả về tôn giáo lẫn chính trị và áp dụng chế độ chuyên chế. Họ sống cô lập, hạn chế tiếp xúc với ngoại quốc để chống sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo. Tước vị và của cải được lưu truyền từ đời cha qua đời con. Càng về sau miền Bắc của Nigeria càng trở nên cô lập hơn, người dân ngày càng nghèo khổ và ít học hơn. Phía Tây Nam của Nigeria, đa số là người Yoruba sinh sống. Chế độ chính trị cũng gần giống như chế độ của người Hausa ở miền Bắc; họ tuân phục những vị tiểu vương Oba nhưng chế độ này ít chuyên chế hơn. Họ có thể thăng tiến trong xã hội nhờ tài nghệ hay của cải. Sự giàu có hay chức vị không bị bắt buộc phải theo truyền thống cha truyền con nối. Người Igbo sống ở vùng Đông Nam bao gồm khoảng hơn 600 bộ lạc độc lập, tự trị, và theo chế độ dân chủ. Mọi chuyện quan trọng đều được mang ra thảo luận và bình bầu ở sân làng. Người dân Igbo có quyền tham gia ý kiến vào những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của chính họ và của bộ lạc. Anh quốc áp dụng chính sách chia để trị, lợi dụng sự khác biệt về phong tục, ngôn ngữ và sự tự hào của ba miền để gây chia rẽ nội bộ. Các tiểu vương Emir nộp thuế cho chính quyền Anh để được bảo vệ chống sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo. Vì thế các nhà truyền giáo hoạt động ở khu vực phía Nam của Nigeria. Dân Igbo và Yoruba tiếp cận với nền văn hóa mới của chính quyền bảo hộ Anh. Họ cho con đi học các trường đại học ở nước ngoài nhiều hơn và khuếch trương các hải cảng để giao dịch thương mại. Người Igbo ở vùng Đông Nam trở nên giàu có, thịnh vượng và hấp thụ văn hóa Tây phương. Người ta khám phá ra những mỏ dầu lớn ở khu vực sông Niger. Vào những năm 1940 và 1950, người Igbo và Yoruba là những lực lượng tiên phong giành quyền độc lập cho Nigeria. Năm 1960, người Anh trao trả quyền độc lập cho Nigeria. Họ chủ trương thống nhất quốc gia và chia làm các tiểu bang để quản lý. Người miền Bắc của Nigeria e ngại rằng dân Igbo sẽ chiếm thế thượng phong trong việc điều hành chính quyền vì họ có nền học vấn tân tiến, có khuynh hướng cởi mở với Công giáo và Tây phương, do đó cương quyết tiếp tục chia Nigeria làm ba miền như trước. Năm 1965, có một cuộc nổi loạn, khoảng 30.000 người Igbo bị giết và cả triệu người phải chạy loạn.

Tháng Giêng năm 1966, một nhóm sĩ quan trẻ người Igbo đảo chính cướp chính quyền. Tháng Bảy năm 1966, sĩ quan miền Bắc đảo chính lại, chọn Yakubu Gowon, một sĩ quan Công giáo của một bộ lạc nhỏ, lên làm lãnh tụ. Gowon dùng quân đội để cai trị. Người dân chống đối đòi trở lại chế độ dân sự. Cuộc bạo động kéo dài, có khoảng tám đến mười ngàn người Igbo bị giết; cả người miền Bắc sống ở các thành phố miền Đông Nam cũng bị sát hại. Tháng Giêng năm 1967, lãnh tụ của ba miền họp mặt ở Aburi ký hiệp ước liên bang nhưng người miền Bắc không đồng ý. Obafemi Awolowo, lãnh tụ của quân đội miền Tây Nam, tuyên bố nếu miền Đông Nam rút tên ra khỏi liên bang thì miền Tây Nam cũng rút lui. Chính phủ miền Đông Nam không chấp nhận Hiệp ước Aburi. Tháng Năm ngày 26, miền Đông Nam tuyên bố ly khai và ngày 30, Chukwuemeka Odumegwu Ojukwu, lãnh tụ lực lượng quân đội miền Đông Nam tuyên bố thành lập xứ Cộng hòa Biafra vì lý do người Hausa đã giết người Igbo. Nguyên do chính là vì nhiều mỏ dầu được khám phá ở khu vực miền Nam; trong khi sự phồn thịnh của nền kinh tế Nigeria chủ yếu dựa vào việc khai thác dầu.

Thoạt tiên Lực lượng Quân sự Liên bang xem đây là một cuộc nổi loạn nhỏ, chỉ cần lực lượng cảnh sát là có thể tái hồi trật tự nhưng Biafra đã đánh lui lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, lực lượng quân sự của liên bang đã đánh chiếm lại phần lớn lãnh thổ và vào năm 1968, Biafra chỉ còn lại một phần mười lực lượng ban đầu. Tháng Chín năm 1968, quân đội Biafra bị kiệt lực vì thiếu vũ khí. Tháng Sáu năm 1969, chính quyền Nigeria bắt đầu phong tỏa thuốc men và lương thực. Tháng Mười năm 1969, Ojukwu kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc để ngưng chiến. Chính quyền liên bang Nigeria kêu gọi Biafra đầu hàng. Tháng Mười hai, quân đội liên bang cắt Biafra thành hai mảnh. Ojukwu chạy sang Ivory Coast giao quyền lãnh đạo cho Philip Effiong. Tháng Giêng năm 1970, Effiong đầu hàng. Con số người chết vì nạn đói lên đến hơn một triệu.

Chiến tranh và những nỗi buồn do chiến tranh gây ra như chết chóc, tàn phá và đói kém, ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có những điểm giống nhau. Người dân sống trong chiến tranh là người dân bất hạnh. Qua quyển sách này độc giả sẽ nhìn thấy nỗi bất hạnh của người dân sống trong vùng đất đòi độc lập và tự trị Biafra và tôi nghĩ độc giả có lúc sẽ đặt quyển sách xuống, thở dài, đôi khi lau giọt nước trào ra nơi khóe mắt khi liên tưởng đến những đau khổ và sự đối diện với cái chết hằng ngày của người Việt Nam. Chiến tranh là một đề tài rất rộng lớn mà tôi không hiểu biết đủ; lạm bàn có thể gây ngộ nhận. Với vai trò của một người dịch, sau vài tháng đọc từng lời từng chữ của cuốn sách, tôi cảm thấy rất gần gũi và yêu mến các nhân vật mà tôi tin là sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này, bạn cũng sẽ yêu mến họ.

Người đầu tiên tôi chắc chắn bạn sẽ yêu mến là Ugwu, chú bé nhà quê mười ba tuổi, ít học, mê tín dị đoan, ngô nghê, thần tượng hóa ông chủ và bà chủ của chú là Odenigbo và Olanna. Ugwu thông minh, ham học, được sự bảo bọc và thương yêu của hai vợ chồng Odenigbo-Olanna. Chú cũng yêu thương gia đình chủ như chính gia đình mình. Ugwu bị đẩy vào chiến trận và trưởng thành trong chiến tranh. Chimamanda Ngozi Adichie đã chăm sóc, “vun trồng” kỹ lưỡng nhân vật Ugwu. Ugwu là biểu tượng của Nigeria mà Adichie đã gởi tất cả hy vọng, từ một quốc gia nghèo nàn, kém phát triển về kinh tế và văn hóa sau cuộc nội chiến sẽ trưởng thành, có tiếng nói và chỗ đứng trên thế giới. Đây là nhân vật chính và quan trọng nhất trong quyển sách này; tôi nghĩ là nên để bạn đọc thưởng thức và nhận xét.

Bạn cũng sẽ yêu mến đôi vợ chồng Odenigbo — Olanna. Đây là đại diện cho giới trí thức trẻ của Nigeria lúc bây giờ. Odenigbo là một giảng viên ở Đại học Nsukka. Anh cùng với một nhóm giảng sư và sinh viên đã khởi đầu đòi hỏi được quyền thành lập quốc gia Biafra. Odenigbo, nhà trí thức trẻ tuổi, nhiệt tâm yêu nước, có ý chí cách mạng, có lòng nhân đạo, và là người bạn tốt của Ugwu. Có tài biện luận và yêu chủ nghĩa xã hội, tuy là nhà Toán học, anh dùng hết thì giờ của mình viết báo kêu gọi người dân Nigeria đứng lên đòi quyền độc lập và cải tổ xã hội. Odenigbo yêu rất nồng nàn nhưng cũng dễ sa ngã. Mẹ mất trong chiến tranh, tài trí của anh bị thui chột cũng vì chiến tranh, về phương diện tình yêu và hôn nhân, Odenigbo là một thí dụ điển hình mà khi yêu, người phụ nữ đã đặt kỳ vọng vào tiềm năng của một người đàn ông để rồi sau khi kết hôn, người phụ nữ sẽ nhận ra rằng những kỳ vọng này là ảo vọng. Những điểm đáng yêu ban đầu, về sau trở thành những điều khó chịu. Ban đầu rượu brandy làm Odenigbo hứng chí, ánh mắt long lanh và dễ dàng trở thành nhà hùng biện xuất chúng, chỉ sau vài ly rượu. Về sau, nỗi buồn chiến tranh và cái chết của mẹ biến anh thành người bạc nhược về tinh thần. Rượu trở thành chất độc giết chết khả năng suy nghĩ của anh. Sự phấn đấu không còn, rượu được dùng để khuây khỏa nỗi buồn chiến tranh. Anh phụ lòng yêu thương của Olanna ít nhất là một lần. Còn lần thứ hai, tác giả cố tình nhập nhằng để độc giả muốn hiểu thế nào cũng được.

Olanna, một cô gái trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội, có nhan sắc của một mỹ nhân ngư. Nhan sắc của cô chinh phục tất cả mọi người từ những đồng nghiệp của Odenigbo như bác sĩ Patel, nhà thơ Okeoma, bác sĩ Nwala anh em họ của Okeoma. Ngay cả Richard, tuy yêu thương Kainene nhưng cũng ngã lòng trước sắc đẹp của nàng. Và cả chú bé Ugwu nhà quê cũng say mê nhan sắc của cô chủ, tuy nhiên sự say mê này mang sắc thái vừa sợ vừa phục một thần tượng. Tuy là một thiếu nữ được hấp thụ nền văn hóa Tây phương, học chương trình Anh từ lúc tiểu học, tốt nghiệp đại học ngành Xã hội học ở London, Olanna được Adichie chọn làm biểu tượng của người phụ nữ Nigeria truyền thống. Một mẫu người vượng phu ích tử, yêu chồng và chăm con, nhân ái với người giúp việc, hòa hợp với láng giềng và bạn bè, vâng lời cha mẹ, chiều chuộng người chị sanh đôi của mình. Là con gái một nhà giàu có, lái xe hơi riêng, được chàng công tử Hausa tên là Mohammed yêu say đắm nhưng Olanna từ chối tình yêu này để yêu một anh giảng viên nghèo thích làm cách mạng. Chiến tranh khiến cuộc sống của nàng trở nên nghèo khó, thiếu thốn đến độ không có cả cháo ăn với cá khô (một món ăn của dân nghèo mà Olanna có dịp chứng kiến ở nhà láng giềng của người cậu khi Olanna đến thăm cậu). Tình yêu của Olanna và Odenigbo là một tình yêu rất bình thường. Bạn đọc sẽ nhìn thấy qua Olanna hình ảnh người mẹ và người vợ Việt Nam trong chiến tranh. Một người phải lo lắng hôm nay ăn gì, phải tìm mua thức ăn ở đâu, và nhất là làm sao chi tiêu cho hợp lý. Người đọc dễ dàng cảm thấy một tình yêu chân thật, say đắm, nồng nàn của đôi uyên ương này. Và cũng qua nhân vật Olanna, người đọc cảm nhận được nỗi sợ hãi của một người dân sống trong bom đạn, hằng ngày phải đối diện với cái chết của người thân yêu và của chính mình. Ugwu, Odenigbo và Olanna là những nhân vật mà người đọc sẽ dễ dàng yêu mến họ. Kainene và Richard cũng đáng yêu nhưng phức tạp hơn. Cái đáng yêu của họ không dễ dàng được nhận thấy bởi vì hai nhân vật này không giống mẫu người đáng yêu truyền thống.

Trong một xã hội da màu đã từng bị đặt dưới sự bảo hộ của chính quyền thuộc địa như Anh và Pháp, người đàn ông da trắng có một vị trí khá cao. Tuy nhiên Chimamanda Adichie đã truất phế cái quyền lực của một người da trắng mà xã hội thuộc địa ưu ái dành cho Richard. Richard là một thanh niên nghèo, mồ côi, sống nhờ tình thương và sự dưỡng nuôi của người bác. Anh đẹp trai, đỏm dáng, dịu dàng, hiền lành đến độ có thể bị xem là nhu nhược. Richard có cái mơ mộng của một nghệ sĩ và không thích đua chen với cuộc đời. Ngay cả cái nghề ký giả của anh cũng do bà bác dàn xếp. Rời Anh quốc để qua Nigeria, Richard có ý muốn thoát ly và tự lập. Anh muốn tìm hiểu bản thân và định hướng cuộc đời mình. Bác Elizabeth dàn xếp cho anh gặp Susan, một phụ nữ nhiều tuổi hơn Richard. Susan ngỏ ý muốn giúp anh có chỗ ở yên tĩnh để anh có thể viết văn. Richard về sống chung với Susan và rất nhanh chóng, cô yêu anh. Tuy không có ý định nhưng vô tình Richard trở thành một “gigolo” hay trai bao của Susan. Richard khám phá nghệ thuật đúc đồng thành bình hoa có cột dây của người Igbo và vì yêu bộ môn nghệ thuật này, anh ở lại Nigeria để nghiên cứu với ý định viết sách về nó. Trong một buổi tiệc Richard đi dự với tư cách người hộ tống Susan, anh gặp Kainene và ngay lập tức anh say mê Kainene bởi vẻ đẹp kỳ lạ và cá tính độc đáo của nàng. Hấp lực của Kainene mạnh đến độ anh chỉ muốn gạt Susan ra khỏi cuộc đời anh. Anh đã không ngần ngại nói dối Susan để mình có thì giờ riêng tiếp tục trò chuyện với Kainene.

Kainene là hiện thân của một phụ nữ mới, đi trước thời đại khoảng chừng 50 năm. Có thể nói hiện nay, số người phụ nữ thật sự nắm quyền lãnh đạo kinh tế và thương mại tuy có nhiều hơn những năm 60 của thế kỷ XX nhưng vẫn còn là thiểu số. Nigeria của những năm 60, người đàn ông là chủ gia đình. Dân Igbo có tục lệ đa thê. Người đàn ông ở gian nhà chính. Mỗi người vợ và con của họ ở trong gian nhà riêng, chung quanh căn nhà chính. Các bà vợ tự trồng rẫy, làm ruộng của mình. Đến bữa ăn họ được chia phiên người nào nấu thức ăn gì và mang đến cho chồng. Họ trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, Kainene vừa tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc về đã lập tức nắm quyền quản lý cơ sở thương nghiệp của bố và được ông bố tán dương là có giá trị gấp đôi một người con trai.

Kainene là một cô gái vượt qua những giới hạn mà xã hội Nigeria đã dành sẵn cho phụ nữ. Kainene khẳng định quyền tự do chọn lựa và quyết định cuộc đời mình, cho dù sự quyết định hay chọn lựa của Kainene không được xã hội chấp nhận hay tán thành. Tính tự quyết và tự do trong việc chọn lựa thể hiện qua cách trang điểm, ăn mặc, cách chọn người để yêu và bạn giao du. Ngay cả cái quyết định tối hậu ảnh hưởng đến mạng sống của cô là vượt vòng đai cấm để đi tìm mua thức ăn cho dân tị nạn cũng là một quyết định đơn độc. Kainene không phải là một người quyết định dựa vào sự tán đồng của người chung quanh. Cô có thái độ kiên định của một người lãnh đạo, quyết đi trên con đường đã chọn cho dù phải hy sinh tính mạng.

Độc giả có thể không thích Kainene lúc mới vừa gặp cô. Không thể nói là Kainene đẹp bởi vì cô không có vẻ đẹp mà xã hội của cô đã tạo tiêu chuẩn. Cô có hình dáng khác thường, cao bằng một người đàn ông ngoại quốc, gầy đến độ trông giống như một thanh niên. Tính khí thì kỳ quặc, tô môi son đỏ chóe, hút thuốc phì phèo. Trong cái nhìn của Richard, anh cho rằng cô giống những cô nàng “bồ nhí” của các ông lớn hơn là con gái của một Ông Trùm thầu khoán, tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc mới về. Kainene ít nói đến lạnh lùng, hay châm biếm mỉa mai. Thế nhưng người đọc sẽ nhận ra rằng không thể nhìn hình bìa mà đánh giá nội dung của quyển sách. Càng vào sâu trong truyện, Kainene càng để lộ lòng nhân ái, biết suy nghĩ, quyết định đúng đắn. Kainene dùng tài quản lý của mình để săn sóc, nuôi nấng người tị nạn. Cô dùng sự suy xét và quyết đoán để cứu người thanh niên đào ngũ vì đói nên đi trộm khoai và bị dân tị nạn đánh đập. Cô can đảm mạo hiểm vượt tuyến để đi tìm mua thức ăn về nuôi sống mọi người trong trại tị nạn. Cô có thái độ và lòng can đảm của một nhà lãnh đạo đáng kính phục.

Thông thường trong những cuộc tình dị chủng, đa số là người đàn ông da trắng kết hợp với phụ nữ da màu. Trường hợp ngược lại, người đàn bà da trắng kết hợp với đàn ông da màu, ít xảy ra hơn. Rất thường xuyên, người đàn ông da trắng ở cương vị chủ động cung cấp tài chánh, vật chất và bảo vệ người phụ nữ da màu. Người đàn ông da trắng mang người phụ nữ da màu vào trong cái xã hội mà anh ta đã quen thuộc và người phụ nữ như loài cá sống trong nước lạ thường ở cương vị phục tùng. Trong Nửa Mặt Trời Vàng, Adichie đã cấu tạo một môi trường ngược lại. Kainene mang Richard vào thế giới của nàng, một nơi mà nàng có quyền hành và thế lực. Kainene là người che chở và bảo bọc người tình. Chẳng những Adichie đã tước đoạt tất cả sức mạnh và quyền lực của người da trắng trong xã hội da đen bằng cách khắc họa một nhân vật Richard nghèo, không vây cánh, không quyền lực, mà còn cấu tạo ra một Richard đầy thất bại; suốt thời gian ở Nigeria anh đã không xuất bản được tác phẩm nào (một bị thất lạc trong chiến tranh và một bị Kainene đốt bỏ khi cô biết Richard đã ngủ với Olanna). Adichie còn tước đoạt cả quyền làm người đàn ông của Richard bằng cách biến anh thành kẻ bất lực khi lần đầu hai người giao hoan. Tại sao Adichie lại sáng tạo một nhân vật nữ có cá tính rất mạnh và một nhân vật nam có bản tính rất mềm mại, dịu dàng đến độ nhu nhược và cho hai nhân vật này yêu nhau? Tôi nghĩ nên để các bạn tự tìm câu trả lời.

Bạn đọc có thể nhận thấy Richard yêu Kainene say đắm, yêu đến độ tôn thờ và khiếp sợ bản lĩnh của cô. Tuy nhiên khó có thể khẳng định là Kainene yêu Richard. Cô vẫn còn phân vân không biết tình cảm của cô đối với Richard có phải là tình yêu hay không. Lúc cuộc nội chiến Biafra còn trong thời kỳ phôi thai, Kainene đã viết một lá thư ngắn, trong đó cô phân vân: ”Có phải tình yêu là cái nhu cầu đặt không đúng chỗ mà hầu như lúc nào em cũng cần có anh bên cạnh? Có phải tình yêu là cái cảm giác an toàn mà em cảm thấy trong sự im lặng của hai đứa mình? Có phải tình yêu là cái cảm giác chúng ta thuộc về nhau, cảm giác có đầy đủ mọi thứ khi chúng ta có nhau?”


Mời các bạn đón đọc Nửa Mặt Trời Vàng của tác giả Chimamanda Ngozi Adichie.

Download ebook

Nửa Mặt Trời Vàng – Chimamanda Ngozi Adichie


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Nửa Mặt Trời Vàng – Chimamanda Ngozi Adichie Tweet! Chimamanda Ngozi Adichie đã mang đến một tác phẩm thông minh, hy vọng và từ bi cho lịch…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose