Gen Vị Kỷ – Richard Dawkins

Gen Vị Kỷ – Richard Dawkins

[toc]


Giới thiệu ebook

Gen Vị Kỷ – Richard Dawkins


Khởi đi từ việc phân tích dưới góc độ khoa học di truyền, viện sĩ Richard Dawkin giải mã động lực của tiến hoá và cho rằng ích kỷ chính là tập tính con người, thậm chí, là văn hoá của nhân loại.

Cuốn sách này nên được đọc như thể nó là một viễn tưởng khoa học. Nó được viết theo cách để lôi cuốn sự tưởng tượng. Nhưng nó không phải là một khoa học viễn tưởng: nó là khoa học.
Cho dù có sáo rỗng hay không thì cụm từ “lạ hơn cả viễn tưởng” vẫn diễn ra một cách chính xác cảm giác của tôi về sự thật. Chúng ta là những cỗ máy sống – những phương tiện rô-bốt được lập trình một cách mù quáng để bảo tồn các phân tử vị kỷ được gọi là các gen. Đây là một sự thật vẫm đầy ngạc nhiên đối với tôi…(Richard Dawkins)

***

Thật dễ chịu khi nhận ra rằng tôi đã sống nửa đời mình với cuốn Gen vị kỷ, cho dù điều đó là tốt hay xấu. Nhiều năm qua, mỗi khi một trong bảy cuốn sách sau này của tôi ra đời, các nhà xuất bản đã tổ chức các chuyến đi để tôi quảng cáo sách. Bất kể đó là cuốn nào đi chăng nữa, độc giả đều phản hồi lại, với sự nhiệt tình hài lòng, sự khen ngợi lịch sự và những câu hỏi thông minh. Và sau đó họ lại xếp hàng để mua và yêu cầu tôi ký tặng cuốn… Gen vị kỷ. Điều này hơi quá cường điệu. Một vài trong số họ cũng mua những quyển sách mới và vợ tôi đã an ủi tôi bằng cách lập luận rằng những người mới biết đến một tác giả nào đó thường có xu hướng tìm lại quyển sách đầu tiên của anh ta, những người còn lại, khi đã đọc cuốn Gen vị kỷ, chắc hẳn họ sẽ tìm ra xu hướng của mình thông qua cuốn sách mới mà họ yêu thích nhất.

Tôi sẽ bận tâm nhiều hơn nếu tôi có thể thừa nhận rằng cuốn Gen vị kỷ đã trở nên rất lỗi thời. Đáng tiếc (theo một khía cạnh nào đó) là tôi không thể làm điều đó. Những chi tiết đã thay đổi và những ví dụ thực tế đã đâm chồi mạnh mẽ. Nhưng với một ngoại lệ mà tôi sẽ thảo luận trong giây lát, có một phần nhỏ của cuốn sách mà tôi phải nhanh chóng đính chính lại hoặc phải xin lỗi vì nó. Arthur Cain, giáo sư môn động vật học tại Liverpool, một trong những người thầy đầy cảm hứng của tôi tại Oxford những năm 60, đã mô tả cuốn Gen vị kỷ năm 1976 là một “cuốn sách của người trẻ tuổi”. Ông ấy đã chủ tâm trích dẫn một người bình luận trong Logic và sự thật ngôn ngữ của AJ. Ayer. Sự so sánh đó đã tâng bốc tôi lên, cho dù tôi biết rằng Ayer đã phải sửa lại rất nhiều trong cuốn sách đầu tiên của ông ấy và tôi cũng khó có thể bỏ qua điểm ngụ ý của Cain rằng tôi nên làm tương tự như vậy vào thời điểm thích hợp.

Hãy cho phép tôi bắt đầu bằng vài ý nghĩ về tiêu đề cuốn sách. Năm 1975, qua sự giới thiệu của bạn tôi là Desmond Morris, tôi đã đưa một phần của cuốn sách hoàn thiện cho Tom Mascher, một người có tiếng trong giới xuất bản ở London, và chúng tôi đã cùng thảo luận trong căn phòng của ông ta ở Jonathan Cape. Ông ấy thích cuốn sách nhưng không thích tiêu đề. Ông ấy nói: “Vị kỷ là một từ ‘không đắt’. Tại sao không gọi nó là Gen bất tử? Bất tử là một từ ‘đắt’, và sự bất tử của thông tin di truyền là ý trọng tâm của cuốn sách, Gen bất tử cũng có sự hấp dẫn tương tự như Gen vị kỷ” (Tôi nghĩ, không ai trong chúng tôi để ý đến tiếng vang của tác phẩm Người khổng lồ vị kỷ của Oscar Wilde). Bây giờ tôi mới nghĩ rằng Mascher có thể đã đúng. Nhiều nhà phê bình, đặc biệt là những nhà phê bình lớn tiếng, được đào tạo về mặt lý thuyết như tôi được biết, chỉ thích đọc một quyển sách dựa vào tiêu đề của nó. Điều này rất đúng với những tác phẩm như Truyền thuyết về Benjamin Bunny hay Sự suy thoái và sụp đổ của đế chế La Mã, nhưng tôi có thể thấy chắc chắn rằng bản thân tiêu đề Gen vị kỷ không cần đến ghi chú của cuốn sách, có thể đủ để diễn tả nội dung của nó. Ngày nay, một nhà xuất bản Mỹ sẽ khăng khăng đòi có sự thuyết minh trong bất kỳ trường hợp nào.

Cách tốt nhất để giải thích tiêu đề này là tìm ra các điểm nhấn. Nếu bạn nhấn mạnh vào từ “vị kỷ”, bạn sẽ nghĩ rằng cuốn sách này viết về sự vị kỷ, trong khi đó, dù sao đi nữa, nó lại tập trung nhiều hơn vào tính vị tha. Từ cần phải được chú ý đến trong tiêu đề là “gen” và hãy để tôi giải thích tại sao. Tranh luận chủ yếu trong học thuyết Darwin có liên quan đến đơn vị mà nó thực chất đã chọn lọc: dạng thực thể nào đã tồn tại hoặc không tồn tại như một hệ quả của chọn lọc tự nhiên. Đơn vị đó, ít hay nhiều, cũng sẽ trở thành “ích kỷ” theo định nghĩa. Tính vị tha có thể được ưu tiên nhiều hơn ở một mức độ khác. Liệu chọn lọc tự nhiên có chọn lựa giữa các loài? Nếu vậy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng các cá thể sinh vật sẽ hành xử một cách vị tha “vì cái tốt của loài”. Chúng có thể sẽ hạn chế tỷ lệ sinh để tránh việc tăng dân số quá mức, hoặc hạn chế hành vi săn bắt để bảo tồn nguồn thức ăn trong tương lai của loài. Đây là sự hiểu nhầm học thuyết Darwin được phổ biến rộng rãi, điều đã thúc đẩy tôi viết cuốn sách này.

Hay liệu chọn lọc tự nhiên, như tôi đã nhấn mạnh ở đây, có lựa chọn giữa các gen? Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các cá thể sinh vật hành xử một cách vị tha “vì cái tốt của các gen”, ví dụ như nuôi nấng và bảo vệ người trong dòng tộc có chung bản sao của các gen giống nhau. Đức hy sinh dòng tộc như vậy là cách duy nhất mà sự vị kỷ của gen có thể diễn giải bản thân nó thành tính vị tha của cá thể. Cuốn sách này giải thích việc này xảy ra như thế nào cùng với sự tương hỗ, một yếu tố chính sinh ra tính vị tha trong học thuyết Darwin. Giả định tôi đã từng viết lại cuốn sách này như một sự biến đổi muộn màng sang “nguyên lý vật cản” của Zahavi/Grafen. Tôi cũng sẽ dành một khoảng cho ý tưởng của Amotz Zahavi rằng sự hiến tặng mang tính vị tha có thể là một kiểu “cống tế” của dấu hiệu khống chế: hãy xem ta mạnh hơn ngươi như thế nào, ta có thể thoải mái hiến tặng cho ngươi!

Hãy để tôi nhắc lại và mở rộng lý lẽ của từ “vị kỷ” trong tiêu đề. Câu hỏi quan trọng ở đây là cấp bậc nào của sự sống sẽ trở thành “vị kỷ” thật sự, và chọn lọc tự nhiên tiến hành ở mức độ nào? Loài vị kỷ? Nhóm vị kỷ? Sinh vật vị kỷ? Hệ sinh thái vị kỷ? Hầu hết những cấp bậc này đều có thể được một hoặc nhiều tác giả biện luận và giả thiết một cách không chắc chắn, nhưng tất cả chúng đều sai. Người ta cho rằng thông điệp của Darwin sẽ được tóm lược rõ ràng như một cái gì đó vị kỷ, và rằng cái gì đó hóa ra lại là gen, nhân tố được lập luận thuyết phục trong cuốn sách này. Cho dù bạn có chấp nhận nó hay không thì đó cũng là cách giải thích cho tiêu đề của cuốn sách.

Tôi hy vọng có thể quan tâm đến những hiểu lầm nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng mình cũng có những sai lầm tương tự. Đặc biệt có thể tìm thấy chúng ở Chương 1, điển hình là câu “Hãy cùng giảng dạy tính rộng lượng và lòng vị tha bởi vì chúng ta là những kẻ vị kỷ bẩm sinh”. Việc giảng dạy tính rộng lượng và lòng vị tha không có gì sai, nhưng “sự vị kỷ bẩm sinh” là một điều sai lầm. Điều này chưa được nhận ra cho đến năm 1978 khi tôi bắt đầu nghĩ một cách rõ ràng về sự khác biệt giữa “các phương tiện” (thường là các sinh vật và “các thể tự sao” ngự bên trong chúng (thực tế là các gen: toàn bộ vấn đề này được lý giải trong Chương 13, chương mới được thêm vào ấn bản thứ hai). Xin hãy quên câu nói sai lầm này cùng các câu tương tự khác, và hãy thay thế nó bằng một điều gì đó trong các dòng chữ của đoạn văn này.

Với những sai sót nguy hiểm trên, dễ thấy tiêu đề của cuốn sách có thể bị hiểu lầm như thế nào, và đây là một lý do tại sao mà tôi có lẽ nên sử dụng tiêu đề Gen bất tử. Tiêu đề Phương tiện vị tha là một khả năng khác. Có lẽ cái tên này sẽ là quá khó hiểu, nhưng trong tất cả các khía cạnh, nó giải quyết được sự tranh luận bề ngoài (điều gây băn khoăn kể từ Ernst Mayr đến sau này) giữa gen và sinh vật, hai đơn vị cạnh tranh với nhau trong chọn lọc tự nhiên. Ở đó, không hề có sự tranh chấp giữa chúng. Gen là đơn vị chọn lọc tự nhiên với nghĩa là thể tự sao. Sinh vật là đơn vị chọn lọc tự nhiên theo nghĩa là phương tiện. Cả hai đơn vị này đều quan trọng và không thể chê bai. Chúng đại diện cho hai thể loại hoàn toàn khác nhau và chúng ta sẽ bị nhầm lẫn một cách tuyệt vọng nếu không nhận ra được sự khác biệt.

Một sự lựa chọn tốt nữa thay cho tiêu đề Gen vị kỷ có thể là Gen hợp tác. Nó có vẻ như hoàn toàn mâu thuẫn nhưng một phần trọng tâm của cuốn sách sẽ lập luận cho dạng hợp tác giữa các Gen vị kỷ. Điều này rõ ràng không có nghĩa rằng các nhóm gen sẽ phát triển thịnh vượng với sự trả giá của các thành viên hoặc của các nhóm gen khác. Thay vào đó, mỗi gen được xem là đang cố gắng đạt được tiêu chí vị kỷ của chính nó để chống lại các gen khác trong vốn gen – tập hợp các ứng cử viên cho sự sắp xếp lại trật tự giới tính trong một loài. Những gen khác này là một phần trong môi trường mà gen tồn tại, cũng như thời tiết, vật ăn thịt và con mồi, thảm thực vật hỗ trợ và các vi khuẩn đất là những thành phần của môi trường. Theo quan điểm của mỗi gen, “môi trường” gen là những gen cùng chung cơ thể với nó trong cuộc hành trình qua các thế hệ. Trong một khoảng thời gian ngắn, môi trường gen là những thành viên khác trong bộ gen. Trong khoảng thời gian dài hơn, môi trường gen là các gen khác trong vốn gen của loài. Vì vậy, chọn lọc tự nhiên coi nó là những tập hợp gen tương hỗ – thường được gọi là hợp tác – các gen được ưu tiên khi xuất hiện cùng nhau. Sự tiến hóa của “gen hợp tác” chưa bao giờ phá vỡ các quy tắc cơ bản của Gen vị kỷ. Chương 5 sẽ phát triển ý tưởng này, sử dụng sự tương đồng của một nhóm các tay chèo, và Chương 13 sẽ đưa ý tưởng đó đi xa hơn.

Lúc này, chọn lọc tự nhiên của các Gen vị kỷ được cho rằng có xu hướng ưu tiên sự hợp tác giữa các gen, người ta phải thừa nhận có một số gen không làm như vậy và chúng hành động chống lại lợi ích của phần còn lại của bộ gen. Một số tác giả đã gọi chúng là các gen ngoài luồng, một số khác gọi là các gen siêu vị kỷ, trong khi có những tác giả chỉ gọi là “các Gen vị kỷ” – sự nhầm lẫn những khác biệt tinh tế giữa các gen khi hợp tác trong một sự phối hợp vị kỷ. Các ví dụ về các gen siêu vị kỷ là chúng tác động đến động lực giảm phân được miêu tả ở các trang 304-307, và các “ADN ký sinh” được đề cập đến lần đầu tiên ở trang 57-59 và được phát triển sâu hơn bởi nhiều tác giả khác nhau dưới cụm từ “ADN vị kỷ”. Việc khám phá ra những ví dụ mới và thậm chí kỳ quái của các gen siêu vị kỷ trở thành một điểm đáng lưu ý trong những năm mà cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên.[1]

Gen vị kỷ đã bị phê bình vì việc nhân cách hóa sự vật và điều này cũng cần có một sự giải thích, nếu không muốn nói là một lời xin lỗi. Tôi áp dụng hai mức độ nhân cách hóa: một cho mức độ các gen và một cho mức độ các sinh vật. Sự nhân cách hóa các gen không thực sự là một vấn đề vì không một người bình thường nào nghĩ rằng các phân tử ADN lại có ý thức về nhân cách, và không một độc giả nhạy cảm nào lại quy kết sự ảo tưởng như vậy cho tác giả. Tôi đã vinh hạnh được nghe nhà sinh học phân tử vĩ đại Jacques Monod nói về sự sáng tạo trong khoa học. Tôi đã quên các câu nói chính xác của ông, nhưng đại khái là ông ấy nói rằng khi cố gắng suy nghĩ về một vấn đề hóa học, ông ấy sẽ tự hỏi rằng ông sẽ làm gì nếu ông là một electron. Peter Atkins, trong một cuốn sách rất hay của mình, Sự sáng tạo đã trở lại, đã sử dụng sự nhân cách hóa tương tự khi xem xét sự khúc xạ của một tia sáng khi đi qua một môi trường có chỉ số khúc xạ cao hơn khiến nó chậm lại. Atkins tưởng tượng rằng nó như một người cứu hộ trên bãi biển lao xuống để cứu một người đang bị chìm. Liệu người cứu hộ có nên bơi thẳng đến người đang bị chìm? Không, bởi vì anh ta có thể chạy nhanh hơn là bơi và sẽ là khôn ngoan khi gia tăng phần đất khô trong thời gian di chuyển của anh ấy. Liệu anh ta có nên chạy đến một điểm trên bờ biển đối diện với mục tiêu của mình để giảm thiểu được thời gian bơi? Tốt hơn, nhưng vẫn không phải là giải pháp tốt nhất. Sự tính toán (nếu anh ta có đủ thời gian để làm) sẽ cho người cứu hộ tìm ra một góc tối ưu, đem lại ý tưởng kết hợp giữa việc chạy nhanh và sau đó là việc bơi chậm hơn. Atkins kết luận rằng:

Đó chính xác là tập tính của tia sáng khi đi qua môi hường đậm đặc hơn. Nhưng làm thế nào để tia sáng biết trước được rằng đâu là con đường ngắn nhất? Và tại sao nó cần quan tâm đến điều đó?

Ông ấy phát triển những câu hỏi này thành một giải thích thú vị, lấy cảm hứng từ học thuyết lượng tử.

Kiểu nhân cách hóa này không chỉ là một phương tiện mô phạm kỳ lạ. Nó còn có thể giúp cho một nhà khoa học chuyên nghiệp tìm được câu trả lời chính xác, với việc phải đối mặt với những sai lầm khó phát hiện. Trường hợp của những tính toán theo học thuyết Darwin về tính vị tha và tính vị kỷ, sự hợp tác và việc đối nghịch cũng tương tự như vậy. Người ta rất dễ đưa ra câu trả lời sai. Các gen được nhân cách hóa, nếu được thực hiện với sự cẩn trọng, thường cho thấy rằng nó là con đường ngắn nhất để cứu một nhà khoa học ủng hộ thuyết Darwin ra khỏi bùn lầy. Khi cố gắng trải nghiệm sự cẩn trọng đó, tôi đã được khích lệ bởi người tiền bối lão luyện W.D. Hamilton, một trong bốn người anh hùng được nhắc đến trong cuốn sách. Trong một bài báo năm 1972 (năm mà tôi bắt đầu viết cuốn Gen vị kỷ), Hamilton viết:

Một gen được ưu tiên trong chọn lọc tự nhiên nếu tập hợp các bản sao của nó tạo nên một phần đang lớn lên trong tổng vốn gen. Chúng ta sẽ quan tâm đến các gen được cho rằng có ảnh hưởng đến tập tính xã hội của những người mang chúng. Vì vậy chúng ta hãy thử đưa ra lập luận hấp dẫn hơn bằng cách tạm thời gán các đặc tính cho sự thông minh của các gen và một sự lựa chọn tự do ở mức độ nào đó. Hãy tưởng tượng rằng một gen đang tính toán về việc tăng số lượng các bản sao của nó, và hãy tưởng tượng rằng nó có thể lựa chọn giữa…

Đó chính là tinh thần đúng đắn để từ đó đọc những điều trong Gen vị kỷ.

Nhân cách hóa một sinh vật có thể sẽ gặp nhiều vấn đề hơn. Điều này là do các sinh vật, không như các gen, có não bộ và do vậy chúng có thể thực sự có những động lực vị kỷ hay vị tha về một vấn đề gì đó theo ý nghĩa chủ quan mà chúng ta có thể nhận thấy. Một cuốn sách có tên là Con sư tử vị kỷ có thể thực sự gây nhầm lẫn trong khi cái tên Gen vị kỷ sẽ không tạo ra điều đó. Cũng giống như việc một người có thể đặt bản thân mình vào vị trí của một tia sáng tưởng tượng, lựa chọn một cách thông minh con đường tối ưu qua một dãy các thấu kính và lăng kính, hoặc ở vị trí của một gen tưởng tượng để lựa chọn một con đường tối ưu đi qua các thế hệ, người đó cũng có thể đặt bản thân mình vào một cá thể sư tử để tính toán một chiến lược tập tính tối ưu cho sự tồn tại lâu dài trong tương lai cho các gen của mình. Món quà đầu tiên của Hamilton tặng cho ngành sinh học là những phép tính chính xác mà một cá thể theo thuyết Darwin, chẳng hạn như một con sư tử, sẽ phải sử dụng khi thực hiện những quyết định được tính toán để tối đa hóa sự tồn tại lâu dài cho các gen của nó. Trong cuốn sách này tôi đã sử dụng sự tương đồng theo văn nói phổ thông của những tính toán đó ở hai mức độ.

Ở trang 171-172 chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn từ mức độ này sang mức độ khác.

Chúng ta đã xem xét các điều kiện mà theo đó một cá thể mẹ thực chất sẽ có lợi khi để một cá thể còi cọc chết đi. Bằng trực giác, chúng ta giả định rằng cá thể còi cọc nên tiếp tục đấu tranh đến phút cuối cùng, nhưng về mặt lý thuyết thì không cần thiết phải dự tính điều này. Ngay khi cá thể còi cọc trở nên quá nhỏ bé và yếu đuối đến mức khả năng sống của nó giảm xuống điểm mà lợi ích thu được qua sự đầu tư của cha mẹ nhỏ hơn một nửa khi đem cho những đứa con khác, cá thể còi cọc nên chết một cách tự hào và tự nguyện. Nó có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho các gen của nó khi làm như vậy.

Đó là tất cả mức độ tự nhận xét của bản thân cá thể. Giả thiết này không phải là cá thể còi cọc sẽ lựa chọn điều gì đem lại cho nó sự thoải mái hoặc cảm giác tốt. Đúng hơn là các cá thể trong một thế giới của thuyết Darwin được giả thiết là đang thực hiện một sự tính toán giá như cho những điều có thể là tốt nhất cho gen của chúng. Đoạn văn đặc biệt này tiếp tục làm rõ điều đó bằng việc nhanh chóng chuyển sang sự nhân cách hóa ở mức độ gen:

Vậy có thể nói, một gen mà đưa ra hướng dẫn “Cơ thể, nếu ngươi quá nhỏ bé so với những cá thể đồng lứa, đừng cố gắng đấu tranh và hãy chết đi” sẽ có thể thành công trong vốn gen, bởi vì nó có 50% cơ hội có mặt trong cơ thể của các anh chị em được cứu sống và dù sao thì cơ hội sống sót của nó trong cơ thể còi cọc cũng là rất nhỏ.

Và rồi đoạn văn ngay tức thì chuyển ngược lại sự nhân cách hóa của cá thể còi cọc:

Có một điểm quyết định trong cuộc đời của một cá thể còi cọc. Trước khi đạt đến điểm đó, nó nên tiếp tục đấu tranh. Khi đã tới đó, nó nên từ bỏ và tốt hơn cả là để những kẻ đồng lứa hoặc cha mẹ ăn thịt nó.

Tôi thực sự tin rằng hai mức độ nhân cách hóa này sẽ không gây nhầm lẫn kể cả khi đọc trong một văn cảnh hoặc toàn cảnh. Hai mức độ của “sự tính toán giá như” sẽ cho ra cùng một kết luận nếu thực hiện chúng đúng cách: trên thực tế, điều này là một tiêu chuẩn để phán xét tính đúng đắn của chúng. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng nhân cách hóa là thứ mà tôi sẽ sửa nếu cho tôi viết lại cuốn sách này bây giờ.

Không viết lại cuốn sách là một việc. Không đọc nó lại là một việc khác. Chúng ta sẽ làm gì với nhận định dưới đây, từ một độc giả đến từ nước Úc?

Rất thú vị, nhưng có nhiều lúc tôi ước rằng tôi đã không đọc nó… Ở một mức độ, tôi có thể chia sẻ cảm xúc của Dawkins trong việc tìm ra bằng chứng cho những quá trình phức tạp đó… Nhưng cũng lúc ấy, tôi lại oán trách Gen vị kỷ vì đã đem lại một loạt những cơn trầm cảm mà tôi phải chịu đựng trong suốt hơn một thập kỷ… Không bao giờ chắc chắn về cảm nhận tinh thần của tôi về cuộc sống, nhưng cố gắng tìm một cái gì đó sâu sắc hơn – cố gắng để tin tưởng, nhưng không hoàn toàn có thể – Tôi thấy cuốn sách đã thổi bay mọi ý tưởng mơ hồ mà tôi đã theo đuổi và ngăn cản chúng kết hợp với nhau xa hơn. Điều này đã tạo ra một sự khủng hoảng cá nhân mạnh mẽ đối với tôi trong vài năm trước.

Tôi đã mô tả trước đó một vài phản ứng tương tự của các độc giả:

Một nhà xuất bản nước ngoài in cuốn sách đầu tiên của tôi đã thừa nhận rằng ông ta không thể ngủ được trong ba đêm liền sau khi đọc nó, ông ấy suy tư quá nhiều về những gì đã thấy qua thông điệp lạnh lùng và ảm đạm của nó. Những người khác hỏi tôi làm thế nào có thể thức dậy vào mỗi buổi sáng. Người giáo viên từ một đất nước xa xôi viết cho tôi với ý quở trách rằng một học sinh đã tìm đến ông ấy trong nước mắt sau khi đọc cuốn sách này, bởi nó đã thuyết phục cô bé rằng cuộc sống là một sự trống rỗng và không có mục đích. Ông ta đã khuyên cô bé không đưa cuốn sách cho bất kỳ người bạn nào vì lo ngại nó sẽ đầu độc chúng cùng với chủ nghĩa bi quan mang tính hư vô (Tháo dỡ cầu vồng).

Nếu có điều gì đó là đúng thì không thể có suy nghĩ ảo vọng nào có thể làm lại nó. Đó là điều đầu tiên mà tôi nói đến, nhưng điều thứ hai cũng quan trọng không kém. Như tôi đã tiếp tục viết:

Giả sử rằng trên thực tế không có mục đích nào trong số phận vĩnh hằng của vũ trụ, nhưng có ai trong chúng ta thực sự trói buộc những hy vọng của cuộc đời mình vào đó? Tất nhiên là chúng ta không làm thế nếu tỉnh táo. Cuộc sống của chúng ta được đặt trong khuôn phép bởi tất cả các dạng ham muốn và nhận thức gần gũi hơn, ấm áp hơn của con người. Việc kết tội khoa học đã cướp đi sự ấm áp, điều mà khiến cho cuộc sống có ý nghĩa, là một sai lầm hoàn toàn phi lý, hoàn toàn trái ngược với cảm giác của tôi và cảm giác của những nhà khoa học tận tụy nhất. Tôi gần như bị đẩy vào sự tuyệt vọng bởi những điều mà tôi nghi ngờ sai lầm.

Một khuynh hướng tương tự để truyền thông điệp này được thể hiện bởi các nhà phê bình, những người đã phủ nhận điều mà họ thấy về những ngụ ý cho sự bất đồng mang tính xã hội, chính trị hoặc kinh tế của cuốn Gen vị kỷ. Ngay sau khi bà Thatcher chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên năm 1979, người bạn Steven Rose đã viết những điều sau trên tờ New Scientist:

Tôi không ám chỉ đó là Saatchi và Saatchi đã tập hợp một đội ngũ các nhà sinh học xã hội để viết các kịch bản cho Thatcher. Tôi cũng không ám chỉ rằng các nhà khoa học lỗi lạc của Oxford và Sussex đang bắt đầu tái hợp trong việc diễn giải thực tế về những sự thật đơn giản của di truyền vị kỷ mà họ đã và đang cố gắng truyền đạt đến chúng ta. Sự trùng hợp của một học thuyết đang được quan tâm và những sự kiện chính trị còn rắc rối hơn thế. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi lịch sử hành trình đi tìm lẽ phải của những năm 1970 được viết ra, từ luật pháp và trật tự đối với học thuyết tiền tệ vĩ mô và (mâu thuẫn hơn) đối với việc tấn công vào thiết chế độc quyền, sau đó là sự chuyển đổi về xu hướng khoa học, đơn thuần là từ mô hình chọn lọc từ nhóm sang dòng tộc trong học thuyết tiến hóa. Tất cả sẽ được coi là một phần trong làn sóng cuốn phăng những kẻ ủng hộ Thatcher và ý tưởng của họ về quyền năng tối thượng và độc tôn vĩnh viễn của con người trong tự nhiên trong thế kỷ 19.

“Nhà khoa học lỗi lạc của Sussex” sau này là John Maynard Smith, người mà tôi và Steven Rose ngưỡng mộ, đã trả lời đầy cá tính trong một bức thư gửi đến tạp chí New Scientist: “Vậy thì chúng ta nên làm điều gì hay là để các đẳng thức đó lừa bịp?” Một trong những thông điệp chính của cuốn Gen vị kỷ (được củng cố bằng một bài luận của cuốn Giáo sỹ của Quỷ) là chúng ta không nên suy luận giá trị của mình từ học thuyết Darwin, trừ phi nó có biểu hiện xấu. Bộ não của chúng ta đã tiến hóa đến điểm mà ở đó chúng ta có thể nổi dậy chống lại các Gen vị kỷ của mình. Thực tế về những điều mà chúng ta có thể làm được chứng minh rất rõ ràng qua việc sử dụng thuốc tránh thai. Nguyên lý tương tự như vậy có thể và cũng sẽ đúng ở một phạm vi rộng hơn.

Không giống như ấn bản thứ hai năm 1989, ấn bản kỷ niệm này không bổ sung bất cứ điều gì ngoại trừ phần giới thiệu và một số trích đoạn từ các bài phê bình được người biên tập trong cả ba lần xuất bản của tôi, Latha Menon lựa chọn. Chỉ có Latha mới có thể tiếp bước Michael Rodgers, một biên tập viên cực kỳ xuất sắc, người hoàn toàn tin tưởng rằng cuốn sách này là động lực thúc đẩy cho hướng đi trong ấn bản đầu tiên của nó.

Tuy nhiên, ấn bản này đăng lại Lời mở đầu gốc của Robert Trivers – đây cũng là một nguồn cảm hứng đặc biệt cho tôi. Tôi đã đề cập đến Bill Hamilton như là một trong bốn người hùng tri thức của cuốn sách. Bob Trivers cũng vậy. Ý tưởng của ông ấy chiếm phần lớn các Chương 9, 10, 12 và toàn bộ Chương 8. Lời tựa của ông ấy không chỉ là một đoạn giới thiệu rất hay cho cuốn sách, mà đặc biệt: ông ấy đã chọn những lời văn phổ thông để thông báo cho thế giới một ý kiến mới tuyệt vời, học thuyết về sự tiến hóa của sự tự lừa gạt bản thân. Tôi rất biết ơn ông ấy đã cho phép sử dụng Lời giới thiệu gốc để làm vẻ vang thêm ấn bản kỷ niệm này.

Richard Dawkins

Oxford, tháng 10/2005

Mời các bạn đón đọc Gen Vị Kỷ của tác giả Richard Dawkins.

Download ebook

Gen Vị Kỷ – Richard Dawkins


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Gen Vị Kỷ – Richard Dawkins Tweet! Khởi đi từ việc phân tích dưới góc độ khoa học di truyền, viện sĩ Richard Dawkin giải mã…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose