Manon Lescaut – Abbe Prevost
[toc]
Giới thiệu ebook
Manon Lescaut – Abbe Prevost
Đời văn của linh mục Prévost thật khác thường: người đương thời từng say mê chuyền tay nhau đọc những pho tiểu thuyết bề thế của Prévost, chăm chú lắng nghe những bài diễn giảng của ông. Nhưng đến đầu thế kỷ XIX, ánh hào quang của những áng văn đó đã lu mờ đi, những bài diễn giảng kia không còn hợp với khẩu vị của công chúng thời nay nữa. Và bản thân tên tuổi của Prévost chắc hẳn rồi cũng sẽ mai một, nếu ông không để lại tập Truyện hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô.
Thiên truyện tuy chiếm một chỗ đứng hết sức nhỏ nhoi trong toàn bộ cái di sản văn chương khá đồ sộ của nhà văn, nhưng nó đã mang lại cho Prévost một vinh quang thực sự bất tử và đưa ông lên hàng những đại biểu lớn nhất của văn chương thế giới.
Antoine Francois Prévost sinh ngày mồng 1 tháng Tư năm 1697 tại thành Eđen (tỉnh Arthur) trong một gia đình tư sản rất được trọng vọng. Hồi bé, cậu học tại quê nhà, trong một trường sơ học của dòng Jésuistes. Bước sang tuổi thiếu niên, Prévost đã được bố mẹ thu xếp để cậu con sẵn sàng dấn thân vào con đường phụng sự Chúa. Vừa chớm đến tuổi trưởng thành, năm 16 tuổi, ông đã là sinh đồ của một chủng viện dòng Jésuistes ở Paris. Tại đây, người ta đã nhanh chóng nhận ra những khả năng xuất sắc của chàng trai, nên chỉ hai năm sau (1715), Prévost đã được gửi tới thị trấn La Flèche, theo học tại một trong những cơ sở đào tạo lớn nhất thời bấy giờ – trường Henri IV. Theo chương trình học thì tại đây, Prévost sẽ phải nghiền ngẫm giáo lý, triết học và các khoa học nhân văn khác.
Nhưng mới học chưa đầy một năm, chẳng rõ vì lý do gì, ông đã từ giã La Flèche, ra đi. Từ đó, Prévost bắt đầu dấn thân vào không biết cơ man nào là những cuộc phiêu lưu, để cho miệng thế đã không ngớt lời dèm pha, thêu dệt nên đủ mọi thứ chuyện trong suốt nhiều năm sau đó.
Các nhà văn học sử đã phải tốn khá nhiều giấy mực mới đẩy lùi được những lời đơm đặt nhảm nhí, bôi lọ tiểu sử của Prévost. Nhưng chỉ cần tính riêng những điều không thể chối cãi được trong đời tư của nhà văn, ta cũng đủ thấy ông đã phải sống một cuộc đời hết sức phức tạp, đầy sóng gió và mâu thuẫn, nhất là trong những năm còn đang độ trẻ trung.
Rời La Flèche, Prévost sung ngay vào quân đội, làm một anh lính thường. Tòng ngũ chưa đầy hai năm, ông lại muốn về lại với cuộc sống tu hành (năm 1719), nhưng đã bị cự tuyệt. Prévost tức tốc sang ngay La Mã, hy vọng rằng sẽ cạy cục được các đấng bề trên của dòng Jésuistes cho mình được quyền tái nhập, để tiếp tục học hành. Nhưng giữa đường, chẳng may ông thọ bệnh. Một viên sĩ quan đã đứng ra giúp đỡ Prévost, đưa ông vào nhà thương và lo liệu cơm nước, thuốc thang. Nhưng chẳng bao lâu sau ông mới vỡ nhẽ ra rằng viên sĩ quan nọ chẳng phải chỉ vì nhân từ mà cưu mang ông; trong thâm tâm, gã còn nuôi một ý định khác: dụ dỗ chàng trai quay lại với cuộc đời binh nghiệp. Các khoản chi phí ông ta bỏ ra cho Prévost, chẳng qua chỉ như là món tiền ứng trước để ít nữa sẽ khấu vào đồng lương chú lính trẻ. Bởi thế, gã buộc Prévost phải tiếp tục tòng ngũ như trước. Để khỏi tái đăng bất đắc đĩ, Prévost bỏ sang Hà Lan. Được ít lâu, ông lại quay về quê, sống với gia đình. Có lẽ đây chính là thời kỳ nhà văn phải nếm trải cuộc phiêu lưu, tương tự như cuộc phiêu lưu tả trong thiên truyện nổi tiếng sau này.
Cũng giống như nhân vật chính cuốn truyện, Prévost đã nhất quyết đi theo người tình mình yêu say đắm, đang bị cảnh sát bắt giữ, nhưng giữa đường thì lăn ra ốm, không còn kịp theo chân đám tù nhân kia, và từ đó mãi mãi mất hút tăm tích người yêu. Đau khổ và tuyệt vọng, Prévost bèn tìm cách lánh đời, và ông lại quay về với kinh bổn, nhưng lần này không phải trong dòng tu cũ, mà của dòng Bénédictin, vốn nổi danh với những trước tác khoa học, nhất là sử học nói riêng,
Sau một năm thụ huấn, Prévost làm lễ tuyên thệ (1721). Nhưng ông không sao kham nổi nếp sống câu thúc giữa bốn bức tường âm u, và lòng vẫn không nguôi nhớ nhung cảnh sống phóng khoáng ngày nào. Quan hệ giữa ông với các vị chức sắc cai quản dòng tu cứ trở nên ngày một rắc rối dần. Bởi thế, chỉ trong vòng bảy năm thôi (1721-1728), Prévost đã phải tám lần thay đổi nơi tu luyện.
Đó chính là thời kỳ Prévost bắt đầu lao vào sáng tác. Tại các trai phòng của tu viện Blanc-Manto và Saint-Germain des Prés, ông đã hoàn thành bốn tập đầu bộ Ký sự của một trang quý tộc lánh đời, thiên tiểu thuyết đã được coi là tác phẩm đã làm rạng danh cho tác giả. Hai tập đầu thiên truyện ra mắt công chúng vào đầu năm 1728.
Sự xuất hiện của hai tập tiếp theo, tập III và tập IV, trùng với thời kỳ xảy ra một bước ngoặt ghê gớm trong đời nhà văn: ông bí mật trốn khỏi tu viện, lên đường về Paris. Dòng tu Bénédictin mưu toan ỉm đi vụ xì-căng-đan đó, thuyết phục ông quay về, nhưng vô hiệu. Bởi thế, họ đã phải nhờ đến viên cục trưởng cảnh sát kinh thành can thiệp, yêu cầu bắt giữ vị tu sĩ bỏ trốn. Ngày 6 tháng Một năm 1728, cảnh sát kinh thành ký lệnh bắt giam. Nhưng đáng nực cười là trong đơn kiện, dòng tu Bénédictin đã ghi rõ ràng kẻ bị truy nã là tác giả bộ Ký sự của một trang quý tộc – thiên truyện đang làm xôn xao dư luận Paris lác bấy giờ. Chỉ mươi hôm sau, ngày 19 tháng Một, kiểm duyệt cũng đã ký lệnh cho phép in tập III và tập IV Ký sự của một trang quý tộc.
Hay tin cửa ngục đang mở rộng để chờ mình, Prévost hối hả rời quê nhà, sang Anh. Từ đó lại bắt đầu một chặng đường luân lạc mới là đồng thời cũng là giai đoạn hoạt động sáng tác sôi nổi nhất của nhà văn.
Prévost tha hương từ năm 1729 đến hết năm 1734. Có thời, ông đã phải làm gia sư cho một quý tộc Anh, nhưng phần lớn thời giờ và tâm huyết lại dành cho viết lách.
Năm 1751, Prévost bỏ sang Hà Lan. Trong chuyến đi này, chắc hẳn nhà văn đã mang sẵn trong hành trang Truyện hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô, và định đưa cho các nhà in ở Amsterđam xuất bản, Tuy nhiên, ngây ngất với những thành công tuyệt đỉnh của bộ Ký sự, các nhà kinh doanh sách Hà Lan chỉ muốn nhận từ tay ông những tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết đó. Vì túng bấn, Prévost phải bắt tay viết tiếp hai tập nữa, mặc dù Ký sự hoàn toàn chẳng cần phụ thêm một dòng tục biên nào. Do nhu cầu thương mại, bộ tiểu thuyết đã được gắn thêm hai tập mới trong đó có một tập là Truyện chàng hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô, mặc dù chính tác giả cũng đã phải thú thực trong Lời tựa ở đầu sách rằng câu chuyện tả ở đây chẳng hề liên quan gì với những biến cố đã thuật lại trong Ký sự.
Như thế là, thiên truyện nhỏ khiến cho danh tiếng của linh mục Prévost trở nên bất tử đã ra mắt độc giả lần đầu ngay từ năm 1751, với tư cách là phụ lục của bộ Ký sự của một trang quý tộc mà ngày nay đã hoàn toàn bị lãng quên.
Các sáng tác của Prévost sở dĩ được nhiều người hâm mộ trước hết là do tính hấp dẫn của chúng. Các tác phẩm của ông hầu như trang nào cũng vẽ lên một biến cố rất đỗi lôi cuốn – khi thì cảnh bắt cóc hoặc giết người, khi thì một cuộc truy nã, và đâu đâu cũng đầy rẫy những sự trùng khớp hết sức tình cờ, hành động tả ở đây phần nhiều đều diễn ra tại những căn nhà ẩm thấp, những lâu đài âm u, những cánh rừng hoang vắng hoặc những xứ sở xa lạ.
Trong các nhân vật chính, bao giờ cũng phải có mặt một con “quỷ dữ”, tâm địa hắc ám, hành tích đầy bí ẩn, hiện thân cho cái ác.
Người đọc còn bị lôi cuốn bởi những nét mới lạ mà Prévost lồng vào tính cách các nhân vật: tiểu thuyết nào của ông cũng khắc họa những con người tâm can bị thiêu đốt bởi những khát vọng mãnh liệt, có thể nuốt chửng hết thảy mọi thứ trên đời và lí trí không sao cưỡng nổi. Và niềm khát vọng giữ vai trò chủ chốt ở đây phần nhiều đều là những mối tình say đắm.
Tình yêu trong các sáng tác của linh mục Prévost là thứ khát vọng tiền định, bản năng, không sức nào kiềm chế nổi, và phần nhiều đều bi thảm – dẫn người ta đến cho tuyệt vọng, chỉ còn biết quyên sinh, lắm khi còn đẩy người ta đến chỗ lao đầu vào những tội ác rùng rợn. Đồng thời, các nhân vật của Prévost trước sau vẫn coi tình yêu là một thứ hạnh phúc cao cả, mà chỉ những ai có diễm phúc lớn may ra mới được nếm trải; và chính vì diễm phúc đó, người ta dám sẵn sàng vứt bỏ hết thảy mọi thứ.
Với tư cách là nhà tâm lý học, Prévost vốn chịu ảnh hưởng của những kịch tác gia phái cổ điển là Corneille và Racine, tác giả của những vở bi kịch mà cái giữ vai trò chủ đạo bao giờ cũng là những khát vọng không sao kìm chế nổi. Nhưng nếu những tình cảm được khắc họa trong các tác phẩm đó đều là những tình cảm trừu tượng và là số phận của những đấng anh hùng huyền thoại hoặc những nhân vật lịch sử phi phàm (các bậc vua chúa, các vị tướng soái), thì trong các thiên tiểu thuyết của Prévost, những khát vọng kia đều bùng cháy lên trong tâm can những kẻ địa vị xã hội khiêm nhường hơn; và chính nhờ vậy mà phẩm giá của họ đều vượt lên trên cái mức bình thường. Bởi thế, khát vọng nào của các nhân vật do Prévost tạo dựng cũng đều xung khắc gay gắt với những nhân tố thông thường trong cuộc sống của người đời – điều kiện vật chất, nếp nghĩ và nếp sống của gia đình, những định kiến của thế tục, v.v…
Năm 1734, Prévost mới được quyền về lại quê hương: Giáo hoàng gia ân cho nhà văn được tiếp tục thử thách đức tin tại các tu viện như trước.
Năm 1736, một đại quý tộc có quyền hành nhất nước Pháp thời kỳ ấy là hoàng thân Conti đã mời Prévost sung vào đoàn tùy tùng của ông ta, giữ chức linh mục trong hoàng cung, Prévost nhận lời ngay, vì đây là một chức hữu danh vô thực – không phải gánh vác một trọng trách nào, mà cũng chẳng được hưởng một thứ bổng lộc nào – nhưng lại cho phép ông được sống ở bên ngoài tu viện, danh tiếng lừng lẫy của nhà văn lớn nhất đương thời đã khiến giới thượng lưu và các xa lông văn chương mở rộng cửa đón ông, Prévost lại có thêm nhiều bạn mới là nhiều người hâm mộ mới.
Tuy nhiên, cũng chính vào thời kỳ đó, Prévost đã lại phải lìa bỏ quê nhà lần nữa. Số là vào những năm đó, giới thượng lưu Pháp vốn sính một hình thức thông tin lạ đời: xuất bản các tạp chí viết tay, loan truyền đủ mọi thứ tin tức, kể cả những tin đồn thất thiệt, lẫn những chuyện đơm đặt hồ độ, chẳng đếm xỉa gì đến sự thật, của các vương tôn, công tử nhàn nhã. Đám thư lại có hoa tay phụ họa vào, ngồi nắn nót chép những trang tạp chí nọ để gửi đến đám khách hàng đặt mua. Prévost đã quá khinh suất, bằng lòng giúp đỡ việc biên tập về văn phong cho một trong những tạp chí loại đó. Một vị quý tộc có thân thế bất đồ đã bị tờ tạp chí này vu khống, ông ta bèn ra lệnh bắt giam chủ bút. Các nhà chức trách bắt đầu mở cuộc điều tra. Đến khi đó biết được rằng Prévost có nhúng tay vào việc biên tập, thì viên cục trưởng cảnh sát liền yêu cầu ông phải rời ngay nước Pháp. Prévost lại phải lưu lạc ở chốn đất khách quê người một năm rưỡi nữa, lúc ở Bỉ, lúc ở Frankfurt.
Mãi đến lúc về lại Pháp, ông mới bắt đầu được hưởng một cuộc sống yên hàn, và danh tiếng ông mới đạt đến đỉnh cao chói lọi. Từ đó, Prévost mới được biết thế nào là sự thư thái tâm hồn và sự no đủ về vật chất.
Prévost vẫn không rời bỏ sự nghiệp sáng tác cho đến tận giây phút trút hơi thở cuối cùng. Ông mất ngày 25 tháng Một năm 1763 vì vỡ tim trong một lần dạo chơi quanh điện Chanteille, ở ngoại ô Paris.
***
Truyện hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô, như đã nói, ra mắt lần đầu vào năm 1731 ở Hà Lan với tư cách là phụ lục của tập VII bộ Ký sự của một trang quý tộc. Ở Pháp, kiệt tác này không được đánh giá cao ngay từ đầu, thành ra mãi đến năm 1733 mới được ấn hành.
Tờ “Báo của cung đình và kinh thành Paris”, số ra ngày 21 tháng sáu năm 1733, đã đăng một mẩu tin như sau:
“Mới đây, tập VII bộ Ký sự của một trang quý tộc đã ra mắt công chúng. Thiên truyện được viết tài tình và lôi cuốn đến mức ngay cả những kẻ bình thường cũng phải mủi lòng cho thân phận của một gã bịp bợm và một ả buôn phấn bán hương”.
Nhưng chỉ ít lâu sau, các nhà chức trách kinh đô đã phải ký lệnh thu hồi và thiêu hủy quyển sách. Trong hồ sơ lưu trữ hiện còn giữ được biên bản tịch thu năm bản truyện của một chủ hiệu sách ở kinh thành và hai bản nữa của một chủ hiệu khác.
Việc tịch thu sách trên thị trường dĩ nhiên không hề làm lu mờ danh tiếng của thiên truyện, và người đương thời vẫn háo hức chuyền tay nhau các ấn bản do nhiều nhà kinh doanh sách Hà Lan in ra, đang ồ ạt tràn vào đất Pháp tác bấy giờ.
Việc cấm lưu hành Truyện hiệp sĩ đơ Griơ, coi đây là tác phẩm vô đạo đức, giữa lúc phong hóa suy đồi chưa từng thấy, giờ đây xem chừng rất khó hiểu. Nhưng có lẽ chính sự băng hoại đạo đức đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đánh giá đúng và không hiểu hết tư tưởng chính mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm: người đương thời chỉ nhìn thấy ở đây câu chuyện về những cuộc phiêu lưu suồng sã, rẻ tiền của đôi trai gái hư thân mất nết. Đây là cách lý giải về nguyên nhân khiến người đương thời không đánh giá đúng thiên truyện của Prévost do chính A.I. Gertxen đưa ra.
Sự cấm đoán đó đã thôi thúc Prévost đứng lên bảo vệ tác phẩm của chính ông trong tờ tạp chí “Đồng tình và phản đối” do bản thân nhà văn sáng lập và xuất bản từ năm 1735 – 1740. Prévost đã cố xoa dịu cái ấn tượng mạnh mẽ do tác phẩm gây ra và cải chính những lời quở trách mình là đã sáng tác ra một quyển sách “vô đạo đức”.
“Công chúng đã đọc một cách say sưa tập cuối bộ Ký sự của một trang quý tộc, có in câu chuyện về cuộc phiêu lưu của hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô.
Chúng tôi coi đây là một chàng trai có những thiên bẩm rực rỡ và sức lôi cuốn bất tận, say mê đến mức rồ dại một cô gái trẻ, vừa rất yêu chàng, nhưng vừa thích sống một cuộc đời phù hoa, trăng gió, hơn là đeo đuổi những hạnh phúc cao cả, có thể giúp cho người yêu bộc lộ hết những tài năng trời cho và làm rạng danh cho dòng dõi cao quý của chính chàng. Trước mắt chúng ta là một kẻ nô lệ bất hạnh của tình yêu; tuy nhìn thấy trước được mọi nỗi khốn đốn đang chờ mình, nhưng chàng trai không còn đủ sức để lẩn trốn chúng, đẩy lùi chúng; chàng đã hiên ngang đứng ra hứng chịu mọi nỗi khốn đốn ấy, mặc cho chúng giày vò mình, hoàn toàn chẳng đếm xỉa gì đến những phương sách khả dĩ giúp mình giành được một chỗ đứng dễ chịu hơn; tóm tại, đó là trang nam nhi vừa hư hỏng, vừa đạo đức, luôn đeo đuổi những ý định tốt lành, nhưng lại hành động một cách xấu xa, nếp cảm nghĩ thì rất đáng quyến rũ, nhưng hành vi thì đáng phỉ báng. Chẳng qua là một tính cách độc đáo.
Tính cách của nàng Manông Lexcô lại càng độc đáo hơn. Nàng biết rõ thế nào là phải trái, thậm chí còn rất mực coi trọng lẽ phải, nhưng toàn làm những việc đáng chê trách. Nàng yêu tha thiết hiệp sĩ đơ Griơ, nhưng nỗi thèm khát cảnh giàu sang và hoa lệ đã khiến nàng phản lại những tình cảm của chính mình đối với chàng trai, chạy theo một gã tài chính lắm tiền. Phải làm chủ được một nghệ thuật thế nào mới có thể thu hút nơi cảm tình của độc giả, gợi lên nơi họ sự thông cảm đối với những bất hạnh mà cô gái hư thân mất nết này phải hứng chịu!
Tuy cả hai đều là những kẻ hư hỏng, nhưng người ta vẫn thấy thương họ, vì thấy rằng sự hư hỏng ấy chung quy chỉ là hậu quả của sự yếu lòng và si mê; hơn nữa, ta cũng thấy rõ rằng trong thâm tâm, cả hai đều lên án gay gắt hành vi của chính mình và đều thừa nhận rằng cách cư xử như vậy là rất đáng chê trách.
Xem thế đủ biết tuy miêu tả cái xấu, nhưng tác giả tuyệt nhiên không đem nó ra mà truyền giảng. Tác giả chỉ vẽ lên ở đây ảnh hưởng của những dục vọng cuồng si, đã khiến cho lý trí trở nên bất lực, khi mà con người bị cầm tù bởi nỗi bất hạnh là đem phó mặc lý trí của bản thân cho dục vọng thao túng…”
Thiên truyện bị cấm lưu hành suốt hai chục năm dài đằng đẵng. Mãi đến năm 1735 mới lại được in ra, lần này thành hai tập mỏng, kèm theo không biết bao nhiêu sửa chữa, thậm chí còn đưa vào một tình tiết mới, tuy không hề làm thay đổi nội dung chính của câu chuyện. Từ đấy trở đi, Manông Lexcô mới giành được một chỗ đứng vững chãi trong các sáng tác xuất sắc nhất của văn chương thế giới xưa nay.
***
Đề tài được Prévost luận giải trong Truyện chàng hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô là thứ tình yêu tiền định, đủ sức nhấn chìm hết thảy mọi thứ ở đời. Đây là đề tài, như đã nói, vốn chiếm vị trí chủ chốt trong sáng tác của nhà văn. Nhưng khác với những bộ tiểu thuyết trường thiên của Prévost, cốt truyện vốn hết sức phức tạp và lắt léo, Truyện chàng hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông là một áng văn bố cục cân đối và hài hóa khác thường. Nét đặc sắc ấy sở dĩ có được chắc hẳn, chính là do tính chất tự thuật của nó: cái bi kịch làm chất liệu của thiên truyện cũng chính là tấn bi kịch đầy xúc động mà tác giả đã nếm trải với tất cả tâm hồn mình một cách đủ sâu sắc, đến mức chẳng cần phải thêm thắt bất cứ một suy tưởng hay một biến cố hư cấu nào.
Prévost đã dựng lên được một hình tượng về một “cô gái sa đọa”, có sức lôi cuốn mãnh liệt đến mức gần như lấn át hết hình ảnh của chàng hiệp sĩ chung tình của chính mình trong cảm thức của người đọc. Một chứng cứ, thoạt nhìn rất nhỏ nhặt, nhưng đầy sức thuyết phục, là: ngay từ đầu thế kỷ trước, các nhà kinh doanh sách đã tùy tiện “đổi” lại nhan đề tập sách từ Truyện chàng hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô thành Truyện nàng Manông Lexcô và hiệp sĩ đơ Griơ; ít lâu sau, nữ nhân vật đã lấn át hẳn tên tuổi của chàng hiệp sĩ ở bìa sách: tên truyện, bây giờ chỉ còn vẻn vẹn ba chữ: Nàng Manông Lexcô.
Mãi gần đây, các nhà xuất bản ở Pháp mới trở lại với cái tên cũ, do chính tác giả đặt cho quyển truyện, việc đảo ngược họ tên hai nhân vật tưởng chừng rất nhỏ nhặt, nhưng thực ra đã động chạm đến một vấn đề lớn: ai là nhân vật chính và tấn bi kịch, mà nhà văn muốn thuật lại với chúng ta trong tác phẩm, là bi kịch của người nào, và dĩ nhiên chẳng phải vô cớ mà Prévost đã để tên hiệp sĩ đơ Griơ lên ở đầu; chính chàng, hiệp sĩ đơ Griơ, chứ không phải Manông Lexcô, mới là nhân vật chính của tấn bi kịch trong truyện.
Hơn nữa, mối xung đột được Prévost lồng vào các biến cố là ở đây tại chính là sự xung khắc gay gắt giữa hai tính cách: hiệp sĩ đơ Griơ và người con gái mà chàng say đắm yêu.
Ví thử đơ Griơ cũng vô đạo đức như Manông thì cuộc hội ngộ giữa hai người chắc chắn sẽ chẳng kéo theo một tấn bi kịch nào: vì gắn bó số phận mình với Manông, chàng sẽ hóa thành một gã ma-cô tốt số; và với cái vẻ ngoài đầy quyến rũ của Manông, cuộc sống của họ rồi đây chắc hẳn sẽ trôi qua một cách êm ả trong no đủ, chẳng còn phải bận bịu, lo toan gì nữa… Vả chăng, cả người anh của Manông, lẫn bản thân nàng đều đã nhắc nhở hiệp sĩ nên đi theo chính con đường ấy.
Nhưng toàn bộ sự tình chính là ở chỗ đơ Griơ và Manông là hai tính cách khác hẳn nhau; cả bản chất đạo đức, lẫn diện mạo tinh thần của cả hai đều rất ít có những nét chung. Bi kịch của đơ Griơ chính là ở chỗ chàng không thể chia sẻ với Manông một lý tưởng về tình yêu cao thượng, mà chỉ có nó mới đáp ứng được lòng mong mỏi của chàng; trong khi đó thì toàn bộ tấn bi kịch của Manông chung quy chỉ là sự thiếu thốn những điều kiện sinh hoạt vật chất.
Nghe theo sự mách bảo của ý nguyện chính mình, Prévost đã thuật lại câu chuyện qua lời hiệp sĩ. Hình thức tự truyện cho phép nhà văn bộc lộ một cách hết sức sâu sắc và chân thực toàn bộ thế giới bên trong của nhân vật.
Tấm lòng cao thượng bẩm sinh và nếp nghĩ quá thiên về lý tưởng đã không cho phép đơ Griơ nhận ra con người thực của Manông, chỉ họa hoằn lắm, và thường là vào lúc vắng bóng người yêu, đần óc chàng mới đủ sáng suốt để cảm nhận sự độc hại về đạo đức của chính mình, và càng nhận rõ được sự suy đốn đó sâu sắc bao nhiêu, chàng càng tin chắc thêm bấy nhiêu sự ươn hèn của bản thân và càng thấy rõ sẽ không còn biết lấy đâu ra sức lực nữa để mà chống trả, vì nghị lực chàng đã tiêu ma đi hết bởi lẽ vướng vào mối tình bất hạnh này.
Trung thành với những lý tưởng cao cả của chính mình về tình yêu, hiệp sĩ đã cư xử với Manông như một hiện thân thuần khiết nhất của nữ tính, cần nhớ rằng trong suốt cuốn truyện, đơ Griơ đã không hề đã động lấy một lời về con người thể chất của Manông, về nét mặt của nàng. Đối với chàng, Manông là một thực thể tuyệt đối, hao hàm trong bản thân nó hết thảy mọi sự hoàn thiện.
Và với tư cách một hiệp sĩ chân chính, đơ Griơ đã hiến thân cho thần tượng mình ngưỡng mộ hết thảy mọi thứ đang có – tên tuổi, địa vị xã hội, gia đình, bước đường công danh, cuộc sống sung túc; và nếu cần, sẵn sàng hiến luôn cả mạng sống của chính mình.
Hình tượng của Manông, xét về các phẩm chất nghệ thuật, là một trong những hình tượng hoàn mỹ nhất của văn chương thế giới. Ở đây, nhà văn đã kết hợp được thành một thể thống nhất hai khía cạnh tương phản gay gắt – vẻ ngoài đầy sức quyến rũ và sự hạn hẹp về thế giới nội tâm của nữ nhân vật – bằng một tài nghệ phi thường đến mức người đọc luôn luôn bị quyền lực của hai tình cảm đối lập nhau chi phối: vừa thán phục và vừa căm giận.
Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng hình tượng Manông mà chúng ta cảm nhận ở đây là qua lời kể của đơ Griơ – một người thuật chuyện nhiệt thành đến mức khó có ai theo kịp. Đơ Griơ lúc nào cũng không tiếc lời biện hộ cho nàng và chỉ hãn hữu lắm mới cảm nhận được ít nhiều rõ nét những thói hư tật xấu của cô gái,
Manông là một phụ nữ mất hết mọi nền nếp đạo lý, là một con người trí lực kém cỏi và tầm nhìn cực kỳ thiển cận, chật hẹp, cho nên sẽ rất lầm lạc, nếu khẳng định rằng cái ngự trị trong thiên truyện là ý niệm “tính người tối đa” (chelovecheskij maksimum). Không cần tuyên bố công khai rằng chủ nghĩa khoái lạc nhất thiết phải là bạn đồng hành cố hữu của thói xem thường các quy phạm đạo đức vẫn được xã hội chấp nhận, ta vẫn có quyền coi việc đánh đồng hình tượng Manông với ý niệm “tính người tối đa” là việc làm quá ư ngây thơ: tính người đâu phải chỉ thu gọn ở những bộ trang phục lộng lẫy, ở những bữa dạ tiệc thịnh soạn, ở những chiếc vé xem hát đắt tiền và những trò tiêu khiển miên man. Cội nguồn tạo dựng, ngay cả khi xét trong phạm vi của nữ giới đơn thuần đi nữa, cũng xa lạ đối với Manông. Ta không tài nào hình dung nổi nàng trong cương vị của một người mẹ, một người vợ, tảo tần nuôi con dạy cái và thu vén việc cửa nhà. Hơn nữa, Manông còn mang sẵn trong con người mình bản năng tàn phá – hễ tiếp cận với nàng, mọi thứ đều lập tức trở nên đồi bại. Ngay cả đám tôi tớ của Manông, do chứng kiến cảnh sống chung của nàng với đơ Griơ, cũng đã tiêm nhiễm phải những thói xấu của chủ: họ cũng lấy cắp tiền nong, tư trang của chủ, y hệt như nàng đã lấy cắp của đám khách làng chơi đến giải buồn.
Manông không đủ sức mang lại hạnh phúc cho người nàng yêu: ngay cả khi đã đứng vững chân trên một mảnh đất chắc chắn như mối tình rất mực thủy chung của đơ Griơ đi nữa, nàng vẫn không sao xây dựng được một hạnh phúc lứa đôi bền chặt.
Đến như tình cảm máu mủ, ruột rà, nàng cũng hoàn toàn xa lạ, Không như đơ Griơ, lúc nào cũng ngóng chờ được trở về sum họp với cha già, với người em, với người bạn thời thơ ấu, Manông không bao giờ tưởng đến gia đình và đả động đến gia đình. Ngay cả bạn gái, nàng cũng không có. Trong khi đơ Griơ bao giờ cũng canh cánh bên lòng hình ảnh người bạn Tibecgiơ, thậm chí cả khi hai người xa cách, thì Manông hoàn toàn chẳng có một ai để mà kết thân. Nàng không hề dành sẵn đất cho tình bằng hữu.
Cần nhận thấy rằng trong thiên truyện của Prévost, từ phía đơ Griơ đã xuất hiện toàn những nhân vật chính diện (cha chàng, em chàng, Tibecgiơ, ông đơ T… – và thậm chí cả viên cai ngục ở nhà tù Priut nữa), thì từ phía Manông chỉ xuất hiệu toàn những nhân vật phản diện (anh nàng, đám khách làng chơi liên tục thế chân nhau). Manông tựa hồ như một thứ ma lực, chỉ lôi cuốn về phía mình toàn những cái xấu, cái ác, cũng rất đáng chú ý là hết thảy những kẻ “ngưỡng mộ” Manông, được nhà văn dựng lại trong truyện, đều chỉ đến với nàng không từ một động cơ nào khác, ngoài những dục vọng đê cấp; họ không hề ngờ vực mảy may nào sự thành công của chính họ, vì ai cũng thừa biết rằng nàng không phải là “món khó gần”. Không hề thấy một gã nào trong số họ đến với nàng là do những tình cảm chân thành thôi thúc.
Nói cho công bằng, thì khi sang đến Mỹ, hành vi của Manông có phần ít đáng chê trách hơn lúc còn ở quê nhà. Nhưng vị tất đã có thể xem đây là kết quả của sự ăn năn hay sự cải hóa tự nhiên của tâm tính. Sang đất Mỹ thời ấy là cả một cuộc hành trình dài dằng dặc – hàng trăm cây số rong xé trên đất Pháp, thêm hai tháng trường lênh đênh trên thuyền buồm giữa đại đương, rồi điều kiện sống khắc nghiệt ở Tân thế giới, thân phận hèn kém của kẻ bị lưu đày, và những thiếu thốn, thua thiệt đủ mọi đường – tất cả những cái đó không thể không làm tổn hại đến sức mạnh tinh thần và thể chất của Manông. Sang đến Mỹ, nàng đã hóa thành một con người khác – đau khổ, kiệt sức, tuyệt vọng, từ bỏ hẳn lối sống buông thả và nông nổi ngày nào.
Nét nổi bật của thiên truyện là Prévost đã miêu tả một cách tỉ mỉ lạ thường những đặc điểm về sinh hoạt của thời đại. Hành động tả trong truyện diễn ra đúng vào thời kỳ Trùng Hưng (1715 – 1723), khi mà xã hội Pháp say sưa lao vào một lối sống buông thả hoàn toàn, vào những năm chót cùng của triều đại Louis XIV dài lê thê. Cái ngự trị trong chốn cung đình là sự hà khắc và thói đạo đức giả. Không khí đó đã ảnh hưởng rất sâu đậm đến toàn bộ nếp sinh hoạt bên ngoài xã hội, sau ngày Louis XIV chết đi, ngôi báu đã lọt vào tay người chắt là Louis XV (vì cả con, lẫn cháu vua đều đã về chầu Chúa trước tổ phụ), bấy giờ mới chỉ là một cậu bé con thơ dại. Bởi thế, mọi quyền bính trong nước, trên thực tế, đều nằm trong tay quan nhiếp chính Philippe Orléans ham vui và nông nổi. Thần dân trong nước tức thì phản ứng ngay lại với bầu không khí tẻ nhạt, giả dối, từng chiếm địa vị thống trị dưới thời đức vua già lụ khụ ngày xưa, xã hội Pháp tức thì trút một hơi thở phào nhẹ nhõm và lao ngay vào cuộc sống ăn chơi, phè phỡn, cho bõ những ngày dài câu thúc, kiêng khem mới đây.
Linh mục Prévost quả đã làm sống lại trong truyện một cách chính xác phi thường nhiều đặc điểm của nếp sống thời ấy. Các sử gia thời Trùng Hưng đều nhất trí thừa nhận rằng những tình tiết nhỏ nhặt, như thể thức lưu đày sang Mỹ những tù nhân bị khép tội phát vãng, địa điểm các sòng bạc và lề thói sát phạt của đám dân máu mê, những thể chế tồn tại trong các sở cẩm, các trại giam, cũng như các tửu điếm, v.v…, nhất nhất đều xác thực. Tác giả không tự cho phép mình bỏ qua bất cứ chi tiết nào từng được chứng kiến tận mắt. Bức tranh do nhà văn vẽ lại về cuộc sống thời bấy giờ quả chân xác đến mức khó lòng quở trách.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những xung đột được Prévost khắc họa ở đây đều chỉ tiêu biểu cho cái thời đại lịch sử ấy, bởi lẽ những trở lực ngăn cản đơ Griơ và Manông vươn đến hạnh phúc không chỉ đơn thuần là ở các thể chế xã hội thời Trùng Hưng, mà chính là ở tính cách của Manông.
Nền văn chương thế kỷ XVIII vốn không thiếu gì những sáng tác miêu tả những trở lực do các thiên kiến của giai cấp quý tộc vô tư sản dựng lên trên bước đường đi đến hạnh phúc của các đôi nam thanh nữ tú, chỉ cần đơn cử ra đây một dẫn chứng: trong Nàng Héloise mới, hạnh phúc của Julie và Xanh Pré cũng đã sụp đổ, chung quy chỉ vì Xanh Pré xuất thân từ tầng lớp bình dân. Tấn bi kịch của đơ Griơ có một ngọn nguồn hoàn toàn khác, và không thể đã hết trách nhiệm lên đầu hoàn cảnh xung quanh, nói riêng là người cha già của hiệp sĩ. Ông thân của đơ Griơ chống lại cuộc hôn nhân giữa con mình với Manông không phải vì nàng xuất thân từ tầng lớp dân thường, mà chính vì nàng là một nhân cách suy đốn về đạo đức, không thể mang lại hạnh phúc cho con trai của chính mình, cha của đơ Griơ là một người từng trải, và hiểu được thế nào là nhân tình thế thái. Câu chuyện trốn nhà ra đi của Manông với con trai ông, người nàng mới quen biết qua loa, rồi hoàn cảnh diễn ra cuộc hội ngộ đó, và chắc hẳn chính số phản phúc của Manông, đã tố giác người tình khi vừa hay biết được rằng chàng không lấy đâu ra tiền để chu cấp cho mình – tất cả những sự kiện ấy đã giúp ông thấu hiểu được chân tướng của Manông và có đầy đủ mọi lý lẽ để chống lại cuộc hôn nhân.
Không một ông cha hay bà mẹ nào, chẳng riêng gì ở thời Trùng Hưng, mà ở bất cứ thời đại nào khác, lại có thể tán thành với dự tính của một anh con trai mười bảy, do chính mình đứt ruột đẻ ra, đem gắn bó số phận với một cô gái giang hồ, chuyên ăn cắp vặt và toàn ngấm ngâm mưu mô những chuyện làm ăn gian lận.
Tìm cách biện hộ cho Manông, xuê xoa hay nhắm mắt làm ngơ với những căn nguyên sâu xa của cái nhân cách tồi tệ đó có nghĩa là hạn chế bớt mức độ gay gắt, tính độc đáo và tầm bao quát của hình tượng ấy, do đó, không đánh giá hết chiều sâu tâm lý và tài nghệ của nhà văn.
Người bạn hơn tuổi của đơ Griơ, chàng Tibecgiơ, được tác giả khắc họa như một người bạn mẫu mực, trung thành. Từ lâu rồi, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy: các nhân vật chính diện, nhất là trong văn chương thế kỷ XVIII, bao giờ cũng là những nhân cách kém sắc sảo, “nghèo nàn” hơn các nhân vật phản diện, Nhưng ở Tibecgiơ, đức khôn ngoan và lòng chung thủy trong hành vi tuyệt nhiên không làm hình tượng chàng trở nên mờ nhạt và vô vị. Tibecgiơ tuy kiên định trong đức tin, nhưng vẫn tỏ ra rất mực khoan dung đối với đơ Griơ; chàng rất nghiêm khắc, nhưng đồng thời vẫn rất người, ví thử Tibecgiơ chỉ là một anh chàng cố chấp, ti tiện và thông thái rởm, chỉ biết truyền giảng những bài học luân lý tẻ nhạt đơn thuần, thì không đời nào đơ Griơ lại quý trọng chàng đến thế, Tibecgiơ là người bạn chân tình, ngay thẳng, đầy lòng bao dung, nhưng không bao giờ tha thứ cho bạn về những việc làm nông nổi. Sự trung thành, tận tụy của chàng đã đạt đến đỉnh cao của đức xả thân: để cứu bạn, chàng sẵn sàng hy sinh hết thảy, theo chân bạn sang tận đến Mỹ, mặc đã chuyến đi ấy vào thời Prévost phải kéo đài hàng mấy tháng trường và phải trải qua bao nhọc nhằn, vất vả, thậm chí có khi phải mạo hiểm đến cả tính mạng nữa.
Đơ Griơ đánh giá rất cao tình bạn giữa chàng và Tibecgiơ, chàng tin chắc rằng không một thử thách nào có thể bẻ gãy được mối quan hệ thân thiết đó. Tibecgiơ là người độc nhất mà đơ Griơ có thể cởi mở hết tấm lòng, và chính nhờ những cuộc tranh cãi tay đôi với Tibécgiơ, chàng đã lần gỡ được thực chất của mối tình say đắm mình đang đeo đuổi và tìm thấy lời giải đáp cho những câu hỏi đang dằn vặt tâm can. Trong những cuộc tranh cãi ấy, quan điểm của hai người hoàn toàn khác nhau, nhưng điều đó không hề cản trở họ hiểu nhau (nhất là Tibecgiơ đối với tâm tư của đơ Griơ). Lý lẽ do Tibecgiơ đưa ra, đơ Griơ hoàn toàn không thể chấp nhận được, vì những lý lẽ ấy chẳng những bao hàm cả sự kết án cách hành động của chàng, mà còn công khai bác bỏ hoàn toàn cái ảo tưởng của chàng về cuộc sống hạnh phúc với Manông.
Dẫu sao, chàng hiệp sĩ bất hạnh cũng chẳng còn ai khác nữa để mà tâm sự: chàng biết rõ rằng người bạn ấy sẽ đem đến cho mình chẳng phải chỉ có những lời chỉ trích, mà còn có cả sự cảm thông, sự nâng đỡ và sự thấu hiểu.
Nhân tiện cần ghi nhận rằng chưa bao giờ đơ Griơ đã thử cố trò chuyện với Manông về những đề tài thường xuyên được đề cập đến trong những cuộc tranh luận với Tibecgiơ.
Trước ngày gặp Manông, đơ Griơ chắc hẳn vẫn luôn luôn chia sẻ các quan niệm của Tibecgiơ. Sự giống nhau đó chính là nền tảng của tình bạn giữa hai người, là cội rễ của sự kính trọng lẫn nhau giữa họ. Sự bất đồng quan điểm giữa đơ Griơ và Tibecgiơ chỉ là một chuyện nhất thời, và rất có thể sự bất đồng đó, nếu không hoàn toàn mất đi, thì ít ra cũng sẽ đỡ gay gắt hơn, một khi những thế lực chia rẽ họ mất tác dụng. Theo nhận định rất sắc sảo của nhà nghiên cứu văn học Arsen Usse, Tibecgiơ là lương tâm của hiệp sĩ đơ Griơ.
Tài nghệ mà nhà văn đem ra để sáng tác nên Truyện hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô đã đưa thiên truyện không bao lăm trang này vào hàng những kiệt tác vĩ đại nhất chẳng những của văn chương Pháp, mà cả của văn chương thế giới. Thiên truyện được viết bằng một bút Pháp giản dị và hài hòa lạ thường; lời văn chuẩn xác, trong sáng và đầy âm hưởng, không nhường bước trước bất cứ một áng vấn mẫu mực ưu tú nào trong văn chương Pháp thời cổ điển và thời Khai sáng. Câu chuyện của đơ Griơ về những nỗi bất hạnh và đau khổ của chính chàng được thuật lại một cách chân thật, không chút khoa trương, không chút tô vẽ cốt gây ấn tượng; nhưng đằng sau cái vẻ ngoài kìm giữ đó, người đọc vẫn luôn cầm thấy một nỗi say mê sôi sục.
Cả về phương điện bố cục nữa, thiên truyện cũng thật hoàn mỹ: ngay từ mấy trang đầu, tác giả đã đưa chúng ta đi thẳng vào diễn biến câu chuyện, và hứng thú của chúng ta vẫn không hề giảm sút mảy may cho đến lúc đọc dòng chót cùng tác phẩm.
Nhưng công lao chủ yếu của linh mục Prévost dĩ nhiên là ở chỗ ông đã tạo dựng được hai hình tượng văn học thực sự bất hủ.
Hiệp sĩ đơ Griơ là mẫu mực của một tình yêu rất mực thủy chung, của đức hy sinh và của lòng vị tha vô bờ hến. Nhà văn đã vẽ lên trước mắt chúng ta những tâm tư đau khổ và phức tạp của chàng trai một cách đầy thuyết phục đến mức ta sẵn lòng tha thứ hết cho chàng mọi lỗi lầm chàng đã phạm phải và luôn vững tin vào sự cao thượng và sự trong sạch về đạo đức của chàng.
Còn hình tượng Manông thì thật khó tìm một điển hình văn học nào sánh ngang về sự hoàn mỹ trong văn chương thế giới xưa nay. Nhà văn đã ký thác nơi cô gái đầu óc trống rỗng, tâm hồn chai sạn, tầm mắt hạn hẹp và đạo đức đốn mạt ấy một vẻ quyến rũ mãnh liệt đến mức khiến ta suýt quên đi những thói hư tật xấu của nàng và sẵn sàng hâm mộ nàng cũng chẳng kém gì đích thân hiệp sĩ đơ Griơ. Arsen Usse đã nhận xét rất đúng rằng dù nhân tình của Manông có đông đến bao nhiêu đi chăng nữa, con số đó vẫn chẳng thấm tháp vào đâu so với đám người ngưỡng mộ cô nữ nhân vật mà linh mục Prévost đã dắt đến bên chân nàng.
Thật vậy, đã hai thế kỷ trôi qua, nhưng Manông vẫn đầy sức quyến rũ. Từ các trang sách của nhà văn, tiếng cười say nồng của nàng vẫn vang vọng mãi không thôi và ánh mắt huyền bí, ranh mãnh của nàng vẫn lôi cuốn chúng ta như ngày nàng mới ra mắt.
Download ebook
Manon Lescaut – Abbe Prevost
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Manon Lescaut – Abbe Prevost Tweet! Đời văn của linh mục Prévost thật khác thường: người đương thời từng say mê chuyền tay nhau đọc những…