[ad_1]
Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app

Giới thiệu ebook

*Mỗi người cần tra vấn những suy nghĩ của mình, và sẽ thấy tất cả bị choán giữ bởi quá khứ và tương lai. Chúng ta hầu như không nghĩ về hiện tại; và nếu có thì cũng chỉ là toan tính cho tương lai. Hiện tại chưa bao giờ là mục đích của chúng ta. Quá khứ và hiện tại là phương tiện; chỉ có tương lai cần đạt tới. Như thế chúng ta chưa bao giờ sống nhưng lại mong đợi sống, và, chúng ta luôn chuẩn bị để được hạnh phúc, nên tất yếu là ta chẳng bao giờ được như thế. *Chân lý ở bên này dãy Pyrénées, sai lầm ở bên kia. – Blaise Pascal

Kế hoạch của công trình mà chúng ta gọi là Pensées này đã hình thành vào khoảng 1660. Cuốn sách hoàn chỉnh hẳn đã là một lời biện hộ cho Thiên Chúa giáo được kết cấu cẩn thận, đưa ra những lý do vốn sẽ thuyết phục dân trí thức. Pascal không phải là nhà thần học, và về thần học tín lý ông đã nhờ cậy các cố vấn tâm linh của ông. Ông cũng không thực sự là một triết gia có hệ thống. Ông là một người với một tài năng thiên bẩm to lớn về khoa học, và đồng thời là một nhà tâm lý học và luân lý tự nhiên. Vì ông là một nghệ sĩ văn chương vĩ đại, cuốn sách của ông hẳn cũng là cuốn tự truyện tâm linh của ông; bút pháp của ông, tránh dùng mọi phong cách đặc thù giảm nhẹ, nhưng vẫn đầy cá tính. Hơn hết, ông là người có những đam mê mãnh liệt; và niềm đam mê trí tuệ của ông đối với chân lý đã được củng cố bởi sự bất thỏa mãn dữ dội với cuộc sống con người trừ khi có thể tìm thấy một lời giải thích tâm linh.

Chúng ta phải coi Pensées chỉ là những ghi chú sơ khởi cho một tác phẩm mà ông để lại khi chưa có chút dấu hiệu hoàn thành nào; chúng ta có, theo cách nói của Sainte-Beuve, một tòa tháp gồm những viên đá được đặt chồng lên nhau, nhưng không có hồ vữa, và cấu trúc chưa hoàn thành. Trong những năm đầu, trí nhớ của ông đã ghi nhớ một cách đáng kinh ngạc bất cứ điều gì ông muốn nhớ; và nếu nó không bị suy yếu do bệnh tật và đau đớn ngày càng tăng, có lẽ ông sẽ không hề cảm thấy buộc lòng phải chép lại những ghi chú này. Nhưng đón nhận tác phẩm này như nó được để lại, chúng ta vẫn thấy rằng nó chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử văn học Pháp và trong lịch sử suy niệm tôn giáo.

***

LỜI NGƯỜI DỊCH VÀ NGƯỜI BIÊN TẬP

Chúng tôi thực hiện bản dịch này dựa chủ yếu vào bản tiếng Anh của W. F. Trotter được Trường Đại học Adelaide công bố tại https:// ebooks.adelaide.edu.au/p/pascal/blaise/p27pe/index.html với tựa Pensées; Dự án Gutenberg công bố tại http://www.gutenberg.org/ files/i8269/i8269-h/i8269-h.htm#Footnote_A_1 với tựa Pascal’s Pensées; và bản tiếng Anh trong Tủ sách Kinh điển Harvard (Harvard Classics: https://www.bartleby.eom/48/1/1.html. Ngoài ra, chúng tôi còn đối chiếu với bản Anh, The Thoughts of Blaise Pascal, của Charles Kegan Paul, được Online Library of Liberty công bố tại http://oll.libertyfund.org/titles/pascal-the-thoughts-of-blaise-pascal; bản tiếng Pháp do Thư viện Trường Đại học Freiburg công bố tại https://www.ub.uni-freiburg.de/fileadmin/ub/referate/04/pascal/pensees.pdf; bản in tiếng Pháp: Pensées của nhà xuất bản Agora (2003) do Philippe Sellier biên soạn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố theo sát bản tiếng Pháp mỗi khi thấy có khoảng cách giữa hai bản, dù không phải lúc nào cũng thành công.

Tác phẩm kinh điển này đã được bao thế hệ biên tập viên sắp xếp và sửa chữa, bao thế hệ học giả nghiên cứu, phê bình và chú giải, nhưng do khả năng có hạn, chúng tôi không thể tham khảo rộng rãi nhiều công trình lớn trong số đó, mà chỉ khai thác những nguồn có sẵn và dễ tiếp cận trên Internet. Trang mạng mà chúng tôi tin cậy và khai thác nhiều nhất, khi dịch cũng như khi soạn cước chú, là http://www.penseesdepascal.fr/, một trang chuyên về tác phẩm này, và tập hợp rộng rãi nhiều kết quả nghiên cứu và chú giải gần đây nhất.

Về những nhân danh và địa danh trong Kinh Thánh, chúng tôi giữ nguyên cách phiên âm của bản dịch tiếng Việt hiện đang lưu hành vì chúng đã quen thuộc với bạn đọc, nhất là bạn đọc Công giáo.

Với tình hình như thế, chắc chắn bản dịch này còn thiếu sót và sai lạc nên chúng tôi mong nhận được góp ý và chỉ bảo để hoàn thiện hơn cho những lần tái bản sau này. Chúng tôi cũng mong rằng sau này sẽ có những dịch giả và nhà nghiên cứu khác bắt tay vào tác phẩm này để khai quật đến hết kho tàng tư tưởng trong đó.

***

LỜI GIỚI THIỆU CỦA THI SĨ T. S. ELIOT

Có thể dường như mọi điều cần nói về Blaise Pascal, và về hai tác phẩm làm nên tên tuổi cho ông, đều đã được phát biểu rồi. Các chi tiết về cuộc đời của ông đã được biết đầy đủ đến hết mức chúng ta muốn biết; những khám phá về toán và vật lý của ông đã được mổ xẻ nhiều lần; cảm nghĩ tôn giáo và quan điểm thần học của ông đã được bàn đi bàn lại; và bút pháp văn xuôi của ông đã được các nhà phê bình Pháp phân tích đến từng chi tiết tinh tế nhất. Nhưng Pascal là một trong những tác giả vốn sẽ và phải được nghiên cứu tiếp tục trong mỗi thế hệ. Không phải là ông ấy thay đổi mà là chúng ta thay đổi. Không phải kiến thức của chúng ta về ông ấy tăng thêm mà vì thế giới của chúng ta và thái độ của chúng ta đối với thế giới đó đã thay đổi. Lịch sử các ý kiến của con người về Pascal và những người có tầm vóc như ông chính là một phần trong lịch sử nhân loại. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ông.

Những dữ kiện về cuộc đời của Pascal, trong chừng mực cần thiết cho bài giới thiệu ngắn gọn này cho cuốn Pensées, là như sau. Ông sinh ra ở Clermont, Auvergne, năm 1623. Gia đình ông nằm trong nhóm khá giả thuộc giai cấp trung lưu lớp trên. Cha ông là một viên chức chính phủ, người có khả năng, lúc qua đời, để lại một tài sản đầy đủ cho một cậu con trai và hai cô con gái của ông ta. Năm 1631, cha của ông chuyển đến Paris, và vài năm sau đó đã nhận một chức vụ công quyền khác tại Rouen. Dù sống nơi nào cha của Pascal có vẻ đều hòa nhập vào giới tinh hoa nhất, và với những người nổi tiếng trong khoa học và nghệ thuật. Blaise Pascal được cha giáo dục hoàn toàn ở nhà. Ông đã phát triển sớm, thực sự quá sớm, vì việc chuyên chú học tập trong tuổi thiếu niên và thanh niên đã làm suy yếu sức khỏe của ông, và là nguyên nhân cho cái chết của ông ở tuổi 39. Người ta còn giữ được những mẩu chuyện lạ thường, mặc dù không phải không đáng tin, nhất là về sự phát triển rất sớm của ông trong toán học. Trí óc của ông chủ động hơn là tích lũy; ông đã cho thấy từ lúc còn rất nhỏ cái thiên hướng muốn tự mình tìm ra mọi thứ, vốn đã đặc trưng cho tuổi thơ của Clerk-Maxwell và các nhà khoa học khác. Trong những khám phá sau này của ông về vật lý không cần đề cập đến ở đây; mà chỉ phải nhớ rằng ông được coi là một trong những nhà vật lý và toán học vĩ đại nhất mọi thời đại; và những khám phá của ông đã được thực hiện trong độ tuổi mà hầu hết các nhà khoa học vẫn còn là người học nghề.

Cha của Pascal, ông Étienne, là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành. Vào khoảng năm 1646, ông tán đồng vối một số đại diện của phong trào phục hưng tôn giáo trong Giáo hội mà sau này được gọi là phái Jansen [đạo lý khắc khổ] – theo tư tưởng của Jansenius, Giám mục Ypres, với tác phẩm thần học được xem như nguồn gốc của phong trào. Giai đoạn này thường được xem là thời điểm của việc “cải đạo lần đầu” của Pascal. Tuy nhiên, từ “cải đạo” có tính quá cưỡng bách không thể áp dụng được vào thời điểm này cho chính Blaise Pascal. Gia đình ông luôn mộ đạo, và chàng trai trẻ Pascal, mặc dù chìm trong công trình khoa học, dường như không bao giờ bị ảnh hưởng bôi sự mất đức tin. Chắc chẳn, mối quan tâm của ông lúc đó đã được hướng đến các vấn đề tôn giáo và thần học; nhưng thuật ngữ cải đạo chỉ có thể được áp dụng cho các chị em của ông – bà chị, đã là Bà Périer, và nhất là cô em, Jacqueline, người lúc đó đã hình thành thiên hướng cho một đời sống tôn giáo. Bản thân Pascal tuyệt không có ý định từ bỏ thế gian. Sau khi cha của họ mất vào năm 1650, Jacqueline, một thiếu nữ trẻ có sức mạnh và vẻ đẹp tính cách đáng kể, mong muốn được khấn trọn đời làm nữ tu ở tu viện Port-Royal, và có thời gian, ước muốn của cô không được hoàn thành do sự phản đối của ông anh. Sự phản đối của ông dựa trên lý do hoàn toàn thể tục rằng cô muốn chuyển phần thừa kế của cô cho tu viện; trong khi cô sống với ông, phần tài sản kết hợp của hai người khiến ông có thể sống gần với một mức độ chi tiêu phù hợp với sở thích của ông hơn. Trên thực tế, ông không những muốn gia nhập vào tầng lớp tinh hoa nhất, mà còn có được xe và ngựa – có lúc xe của ông được thắng tới sáu con ngựa. Mặc dù ông không có quyền pháp định để ngăn em gái mình tùy nghi sử dụng phần tài sản của cô ấytheo cách cô ấy chọn, nhưng Jacqueline dễ thương cũng không muốn làm vậy mà không có sự sẵn sàng tán thành của ông anh. Mẹ bề trên Angélique – chính bà cũng là một nhân vật nổi bật trong lịch sử của phong trào tôn giáo này – cuối cùng đã thuyết phục đưực cô tập sinh bước vào dòng tu mà không được thỏa mãn trong việc mang theo tài sản kế thừa của mình; nhưng Jacqueline vẫn rất đau khổ vì tình trạng này đến độ ông anh của cô cuối cùng phải đổi ý.

Cho đến nay như được biết, cuộc sống ngoài đời của Pascal trong giai đoạn này khó có thể được xem là “phung phí”, và chắc chắn không phải là “trụy lạc”. Ngay cả cờ bạc có lẽ chỉ thu hút ông chủ yếu là do nó đem lại một nghiên cứu về xác suất toán học. Ông dường như đã sống một cuộc sống mà bất kỳ người trí thức có học nào với địa vị tốt và sinh kế độc lập có thể sống và xem mình là một kiểu mẫu của sự trung thực và đức hạnh. Thậm chí chẳng có chuyện tình ái nào bị gán cho ông, mặc dù ông được cho là đã nghĩ đến hôn nhân. Nhưng phái Jansen, được đại diện bởi cộng đoàn tôn giáo ở Port-Royal, về mặt đạo đức là một phong trào Thanh giáo trong Giáo hội, và các tiêu chuẩn ứng xử của nó ít nhất cũng nghiêm khắc như của bất kỳ phái Thanh giáo nào ở Anh hay Mỹ. Tuy nhiên, thời kỳ của xã hội thời thượng, trong cuộc sống của Pascal, lại rất quan trọng trong sự phát triển của ông. Nó mở rộng kiến thức của ông về con người và tinh lọc thị hiếu của ông; ông trở thành một người lịch duyệt và không bao giờ mất đi những gì ông học được; và khi ông hướng tư tưởng của mình hoàn toàn về tôn giáo, tri thức thế tục của ông là một phần trong kết cấu vốn thiết yếu cho giá trị của tác phẩm của ông.

Sự quan tâm của Pascal đối với xã hội không làm ông xao lãng nghiên cứu khoa học; giai đoạn này cũng không chiếm nhiều không gian trong một cuộc sống rất ngắn và chen chúc. Một phần do sự không thỏa mãn tự nhiên của ông với một cuộc sống như vậy, một khi ông đã học được tất cả những gì mà nó có thể dạy cho ông, một phần do ảnh hưởng của cô em thánh thiện Jacqueline, một phần do đau đớn thể xác tăng dần khi sức khỏe của ông suy sụp, tất cả hướng ông ngày càng rời xa thế gian và đi tới những suy tưởng về vĩnh cửu. Và năm 1654 đã xảy ra sự kiện được gọi là “lần cải đạo thứ hai” của ông, nhưng có thể được gọi đơn giản là cải đạo.

Ông ghi lại trải nghiệm thần cảm của mình, điều mà ông luôn giữ kín bên mình, và người ta tìm thấy chúng, sau khi ông chết, được khâu vào chiếc áo khoác mà ông đang mặc. Trải nghiệm này xảy ra vào ngày 23.11.1654, và không có lý do gì để nghi ngờ tính xác thực của nó trừ khi chúng ta muốn phủ nhận mọi trải nghiệm thần cảm. Bây giờ, Pascal không phải là một nhà thần cảm, và các tác phẩm của ông không được xếp vào loại văn phẩm thần cảm; nhưng những việc chỉ có thể được gọi là trải nghiệm thần cảm vẫn xảy ra với nhiều người không trở thành nhà thần cảm. Tác phẩm mà ông viết ngay sau đó, Lettres écrites à un provincial (Những bức thư cho một bạn tỉnh lẻ), là một kiệt tác về tranh luận tôn giáo ở cực đối lập với thuyết thần cảm. Chúng ta biết rất rõ rằng vào lúc nhận được sự soi sáng từ Thiên Chúa ông đang trong tình trạng sức khỏe tệ hại; nhưng chuyện một số dạng bệnh tật lại cực kỳ thuận lợi cũng là điều thường gặp, chứ không riêng cho sự soi sáng về tôn giáo, mà còn cho sáng tạo nghệ thuật và văn chương. Một văn phẩm được nghiền ngẫm, dường như không chút tiến triển, trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể đột nhiên hiện rõ hình vóc và lời lẽ; và trong trạng thái này, những đoạn văn dài có thể ra đời mà không đòi hỏi, hoặc chỉ đòi hỏi chút ít, sửa chữa. Tôi không có lời lẽ hùng hồn để nói về việc phát triển lối viết tự động như kiểu mẫu cho sáng tác văn học; tôi không chắc lắm liệu tác giả có thể phát triển những khoảnh khắc này hay không; nhưng những người mà gặp được điều này chắc chắn sẽ có cảm giác mình là công cụ chứ không phải là kẻ tạo tác. Không có kiệt tác nào có thể được ra đời hoàn toàn bằng phương tiện như vậy; nhưng ngay cả dạng thần hứng tôn giáo cao hơn cũng không đủ cho đời sống tôn giáo; ngay cả nhà thần cảm cao nhất cũng phải trở về với thế giới, và dùng lý trí của mình để vận dụng những kết quả từ trải nghiệm của mình trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể gọi nó là sự hiệp thông với thần linh, hoặc bạn có thể gọi nó là sự kết tinh tạm thời của tâm trí. Cho đến khi khoa học có thể dạy chúng ta tái tạo hiện tượng như vậy theo ý muốn, khoa học vẫn không thể tuyên bố đã giải thích được chúng; và chúng chỉ có thể được đánh giá qua thành quả của chúng.

Từ thời điểm đó cho đến khi qua đời, Pascal gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn Port-Royal mà em gái Jacqueline, người chết trước ông, đã tham gia như một nữ tu sĩ; cộng đoàn này lúc đó đang chiến đấu với Dòng Tên để tồn tại. Năm tuyên bố, vốn bị một ủy ban gồm các hồng y và nhà thần học tại Roma phán xét là dị giáo, đã được xác định là được nêu ra trong tác phẩm của Jansenius; và cộng đoàn Port-Royal, đại diện của phái Jansen giữa các cộng đồng mộ đạo, bị một đòn trí mạng mà sau đó nó không còn phục hồi lại được. Đây không phải là chỗ để xem xét những tranh cãi và xung đột cay đắng; tường thuật tốt nhất, từ quan điểm của một nhà phê bình thiên tài vốn không đứng về phe nào, không phải là người theo phái Jansen hay Dòng Tên, chẳng phải người Thiên Chúa giáo hay dân ngoại đạo, là tường thuật trong tác phẩm tuyệt vời của Sainte-Beuve, Port-Royal. Và trong cuốn sách ấy, những phần dành cho chính Pascal nằm trong số những trang phê bình tuyệt vời nhất mà Sainte-Beuve từng viết. Nó đủ để nhận thấy rằng công việc kế tiếp của Pascal, sau khi cải đạo, là viết mười tám “Lettres”, mà như áng văn xuôi nó có tầm quan trọng lớn lao trong nền móng của bút pháp cổ điển Pháp, và về mặt bút chiến thì chẳng ai vượt qua được, dù là Demosthénes, hoặc Cicero, hoặc Swift. Những lá thư ấy có những hạn chế của mọi tác phẩm bút chiến và tranh luận: chúng thuyết phục, chúng quyến rũ, chúng không sòng phẳng. Nhưng cũng thật không sòng phẳng khi khẳng định rằng, trong Lettres écrites à un provincial, Pascal đã tấn công bản thân Dòng Tên. Nói đúng hơn, ông tấn công vào một trường phái giải nghi học cụ thể vốn nới lỏng các đòi hỏi của tòa giải tội; một trường phái chắc chắn đã phát triển mạnh trong Dòng Tên vào thời điểm đó, và trong đó hai tu sĩ Tây Ban Nha, Antonio de Escobar y Mendoza và Luis de Molina, là những vị thẩm quyền lớn nhất, ông rõ ràng đã lạm dụng nghệ thuật trích dẫn, vì một tác giả bút chiến khó tránh được việc đó; nhưng đã có những lạm dụng để ông lạm dụng; và ông đã làm việc đó tới nơi tới chốn. Những bức thư của ông trong tác phẩm trên không thể được gọi là thần học. Thần học hàn lâm không phải là bộ môn mà Pascal thông thạo; khi cần thiết, các cha cố ở Port-Royal đã đến giúp ông. Các thư ấy là công trình của một trong những bộ óc toán học tốt nhất của bất kỳ thời đại nào, và của một người lịch duyệt muốn nối chuyện, không phải vời các nhà thần học, mà với mọi người nói chung – tất cả những người có học thức và nhiều người ít học thức hơn trong đám đông thế tục ở Pháp; và với công chúng này, những bức thư ấy đã đạt được thành công đáng kinh ngạc.

Trong thời gian này, Pascal không hề hoàn toàn từ bỏ những mối quan tâm với khoa học. Mặc dù trong các tác phẩm tôn giáo, ông viết chậm chạp và vất vả, và chỉnh sửa thường xuyên, nhưng trong các vấn đề toán học tâm trí của ông dường như di chuyển với sự uyển chuyển và thoải mái tự nhiên tột bậc. Những khám phá và phát minh nảy ra từ bộ não của ông không chút vất vả; trong số các tiện ích nhỏ của giai đoạn sau này, dịch vụ xe ngựa chuyên chở công cộng đầu tiên ở Paris được cho là có nguồn gốc từ tài phát minh của ông. Nhưng sự suy sụp sức khỏe mau lẹ, và sự miệt mài trong công việc lớn mà ông có trong tâm trí, khiến ông không còn lại bao nhiêu thời gian và năng lượng trong hai năm cuối đời.

Kế hoạch của công trình mà chúng ta gọi là Penséesnày đã hình thành vào khoảng năm 1660. Cuốn sách hoàn chỉnh hẳn đã là một lời biện hộ cho Thiên Chúa giáo được kết cấu cẩn thận, một Apologia đích thực và một loại tựa như Grammar of Assent,1 đưa ra những lý do vốn sẽ thuyết phục dân trí thức. Như tôi đã nói ở trên, Pascal không phải là nhà thần học, và về thần học tín lý ông đã nhờ cậy các cố vấn tâm linh của ông. Ông cũng không thực sự là một triết gia có hệ thống. Ông là một người với một tài năng thiên bẩm to lớn về khoa học, và đồng thời là một nhà tâm lý học và luân lý tự nhiên. Vì ông là một nghệ sĩ văn chương vĩ đại, cuốn sách của ông hẳn cũng là cuốn tự truyện tâm linh của ông; bút pháp của ông, tránh dùng mọi phong cách đặc thù giảm nhẹ, nhưng vẫn đầy cá tính. Hon hết, ông là người có những đam mê mãnh liệt; và niềm đam mê trí tuệ của ông đối với chân lý đã được củng cố bởi sự bất thỏa mãn dữ dội với cuộc sống con người trừ khi có thể tìm thấy một lời giải thích tâm linh.

Chúng ta phải coi Pensées chỉ là những ghi chú sơ khởi cho một tác phẩm mà ông để lại khi chưa có chút dấu hiệu hoàn thành nào; chúng ta có, theo cách nói của Sainte-Beuve, một tòa tháp gồm những viên đá được đặt chồng lên nhau, nhưng không có hồ vữa, và cấu trúc chưa hoàn thành. Trong những năm đầu, trí nhớ của ông đã ghi nhớ một cách đáng kinh ngạc bất cứ điều gì ông muốn nhớ; và nếu nó không bị suy yếu do bệnh tật và đau đớn ngày càng tăng, có lẽ ông sẽ không hề cảm thấy buộc lòng phải chép lại những ghi chú này. Nhưng đón nhận tác phẩm này như nó được để lại, chúng ta vẫn thấy rằng nó chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử văn học Pháp và trong lịch sử suy niệm tôn giáo.

Để hiểu được phương pháp mà Pascal sử dụng, người đọc phải được chuẩn bị để dõi theo tiến trình tinh thần của tín hữu thông minh này. Nhà tư tưởng Thiên Chúa giáo – và tôi muốn nói tới con người đang cố gắng một cách có ý thức và tận tâm để giải thích cho chính mình cái trình tự vốn lên đến đỉnh điểm trong đức tin, chứ không phải là người biện bạch với công chúng – tiến bước bằng sự từ chối và loại bỏ. Ông ta thấy thế giới là như vậy và như vậy; ông thấy tính chất của nó không thể giải thích được bởi bất kỳ lý thuyết phi tôn giáo nào; trong số các tôn giáo, ông tìm thấy Thiên chúa giáo, và Công giáo, để giải thích thỏa đáng nhất cho thế giới và nhất là cho thế giới đạo đức nội tại; và do đó, qua những cái mà Newman gọi là những lý do “mạnh mẽ và đồng thời”, ông thấy mình gắn bó chặt chẽ không rời được với giáo lý về Nhập thể. Đối với người vô tín ngưỡng, phương pháp này có vẻ sai sự thực và trái khoáy; bởi vì người vô tín ngưỡng, như một quy luật, thì không lao tâm khổ tứ như vậy để giải thích thế giới cho chính mình, cũng không quá lo âu như vậy trước sự rối loạn của nó; họ cũng thường không quan tâm (theo thuật ngữ hiện đại) đến việc phải “bảo tồn các giá trị”, ông không cho rằng nếu những trạng thái cảm xúc, sự phát triển tính cách nào đó, và điều có thể được gọi là “tính linh thánh” theo nghĩa cao nhất vốn dĩ và được biết là tốt qua kiểm tra, thì lời giải thích thỏa đáng về thế giới phải là lời giải thích thừa nhận “thực tại” của những giá trị này. Ông cũng không xem cách suy luận như vậy là chấp nhận được; có thể nói, ông cắt tỉa giá trị của mình theo [kích cỡ] tấm vải của mình, bởi vì với ông những giá trị như vậy không có giá trị lớn. Người vô tín ngưỡng khởi hành từ đầu ngược lại, và rất có thế với câu hỏi, “Một trường hợp sinh sản đơn tính [sinh sản không thụ tinh] ở người thì có đáng tin cậy không?” và điều nay ông có thể gọi là việc đi thẳng vào trung tâm của vấn đề. Bây giờ phương pháp của Pascal là, nhìn chung, phương pháp tự nhiên và phù hợp với tín đồ Thien Chúa giáo; và phương pháp ngược lại là do Voltaire chủ trương. Thật đáng giá khi nhớ rằng Voltaire, trong nỗ lực bác bỏ Pascal, đã nêu ra một cách dứt khoát kiểu bác bỏ như vậy; và rằng những kẻ sau đó phản đối Apologie de la religion chrétienne (Biện hộ cho đạo Thiên Chúa) của Pascal đã không đóng góp gì nhiều ngoài những điều không liên quan về tâm lý học. Bởi vì Voltaire đã trình bày, tốt hơn bất kỳ ai kể từ đó về sau, quan điểm không tín ngưỡng là gì; và cuối cùng tất cả chúng ta phải chọn cho chính mình giữa một quan điểm này hay một quan điểm khác.

Tôi đã nói ở trên rằng phương pháp của Pascal “nói chung” là phương pháp của người biện hộ Thiên Chúa giáo tiêu biểu; và sự dè dặt này được nhắm tới niềm tin của Pascal vào những phép lạ, điều này đóng vai trò lớn hơn trong kết cấu của ông, ít nhất, cũng lớn hơn mức ta thấy ở tín đồ Công giáo tự do hiện đại. Sẽ thật tuyệt vời khi chấp nhận Thiên Chúa giáo bởi vì trước tiên chúng ta tin rằng những phép lạ trong Phúc âm là có thực, và dường như thật là bất kính khi chấp nhận tôn giáo ấy chủ yếu bởi vì chúng ta tin rằng những phép lạ gần đây là đúng; chúng ta chấp nhận các phép lạ, hay một số phép lạ, là có thực bởi vì chúng ta tin Phúc âm về Đức Giêsu: Chúng ta đặt niềm tin của mình vào những phép lạ dựa trên Phúc âm, chứ không phải đặt niềm tin của chúng ta vào Phúc âm dựa trên phép lạ.

Nhưng ta phải nhớ rằng Pascal đã bị ấn tượng sâu sắc bởi một phép lạ đương thời, được gọi là phép lạ của Cây gai thánh: một cây gai được cho là lấy ra từ vương miện gai của Giêsu rồi được ép vào một vết loét và nó lành lại nhanh chóng. Sainte-Beuve, một bác sĩ, cảm thấy chính mình có cơ sở vững chắc, thảo luận rốt ráo lời giải thích có thể có về phép lạ rõ ràng này. Đúng là phép màu đã xảy ra tại Port-Royal, và nó đến đúng lúc đế hồi sinh tinh thần suy sụp của cộng đồng trong những phiền não chính trị của nó; và rất có thể rằng Pascal có nhiều ý hướng tin rằng một phép lạ đã được thực hiện với cô em yêu dấu của mình. Trong mọi trường hợp, nó có thể khiến ông dành một chỗ đứng cho phép lạ trong nghiên cứu của ông về đức tin, một chỗ đứng mà chưa chắc chính chúng ta sẽ dành cho chúng.

Giờ đây, đối thủ lớn mà Pascal quyết định phản bác, kể từ thời điểm của các cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với M. de Sad tại Port- Royal, là Montaigne. Người ta không thể phá hủy Pascal, chắc chắn; nhưng trong số tất cả các tác giả, Montaigne là một trong nhưng vị khó có thể bị phá hủy nhất. Bạn cũng có thể xua tan một màn sương mù bằng cách ném lựu đạn vào đó. Vì Montaigne là một màn sương mù, một loại khí, một chất lỏng, yếu tố ngấm ngầm. Ông ta không biện luận, ông ta gợi ý, quyến rũ, và gây ảnh hưởng; hoặc nếu ông ta biện luận, bạn phải được chuẩn bị cho việc ông ta có sẵn ý đồ nào đó dành cho bạn hơn là thuyết phục bạn với lập luận của ông ấy. Hầu như không quá đáng khi nói rằng Montaigne là tác giả thiết yếu nhất cần biết, nếu chúng ta muốn hiểu được tiến trình tư tưởng của Pháp trong ba trăm năm qua. Trong mọi phương diện, ảnh hưởng của Montaigne là đáng ghét đối với những người ở Port-Royal. Pascal nghiên cứu ông ta với ý định đánh đổ ông ta. Tuy nhiên, trong Pensées,vào đoạn cuối cuộc đời của Pascal, chúng ta thấy hết đoạn văn này đến đoạn văn khác, và càng sơ lược thì chúng càng quan trọng, gần như đều “móc” ra từ Montaigne, tới tận một hình thái tu từ hay một từ. Những điểm song hành2 thường gặp nhất là với tiểu luận dài của Montaigne có tựa là “Apologie de Raymond Sébond” [Biện hộ cho Raymond Sébond] – một văn phẩm lạ lùng mà Shakespeare có lẽ cũng đã dựa vào đó khi viết Hamlet.Thật vậy, cho tới lúc mà ai đó hiểu Montaigne đủ rõ để công kích ông ấy thì người đó hẳn đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ông ấy rồi.

Tuy nhiên, sẽ thật là không công bằng với Pascal, với Montaigne, và thực sự đối với văn học Pháp, khi bỏ lửng vấn đề ở đó. Nó không phải là việc hạ thấp tầm vóc của Pascal, mà chỉ là một động tác nâng cao cho Montaigne. Nếu Montaigne là một người hoài nghi bình thường, một người nhỏ bé như Anatole France, hoặc thậm chí là một người to lớn hơn như Ernest Renan, hoặc thậm chí là người hoài nghi lớn nhất, Voltaire, “ảnh hưởng” này sẽ làm mất uy tín của Pascal; nhưng nếu Montaigne không hơn gì Voltaire, ông ta hẳn đã không ảnh hưởng gì tới Pascal. Những hình ảnh của Montaigne vốn tự hiện ra trước hết với chúng ta, hình ảnh của một “tính cách” cô lẻ độc đáo và độc lập, chìm đắm trong việc phân tích bản chất rất thú vị, thì đầy tính lừa dối. Montaigne không hề là chủ nghĩa hoài nghi giới hạn, giống như chủ thuyết của Voltaire, Renan, hoặc France. Ông tồn tại, có thể nói, trên một bình diện của rất nhiều vòng tròn đồng tâm, rõ ràng nhất trong số đó là vòng tròn nhỏ nhất, một chủ nghĩa hoài nghi tinh quái cá nhân có thể dễ dàng bị bắt chước nếu không muốn nói là bị mô phỏng. Nhưng điều khiến Montaigne trở thành một nhân vật rất lớn là việc ông đã thành công, có Chúa mới biết làm thế nào – vì Montaigne rất có thể không biết rằng ông đã làm được thế – đó không phải là loại chuyện mà người ta có thể nhận thấy ở mình, vì nó cơ bản lớn hơn ý thức của cá nhân – ông đã thành công trong việc đưa ra biểu hiện cho chủ nghĩa hoài nghi của mỗi con người. Bởi vì mọi người nghĩ và sống bằng tư tưởng phải có thái độ hoài nghi riêng của mình, điều đó dừng lại ở câu hỏi, kết thúc từ chối, hoặc điều dẫn tới đức tin và bằng cách nào đó được tích hợp vào đức tin vốn vượt qua nó. Và Pascal, như biểu trưng cho một loại tín đồ tôn giáo, vốn thiết tha và nồng nhiệt, nhưng chỉ thiết tha qua một trí tuệ mạnh mẽ và được điều tiết, trong những phần đầu của Apologie de la religion chrétienne chưa hoàn thành của ông, lại đối mặt không nao núng với con quỷ của lòng nghi hoặc vốn không thể tách rời khỏi tinh thần của niềm tin.

Như thế, có một điều gì đó hoàn toàn khác với ảnh hưởng vốn sẽ chứng tỏ điểm yếu của Pascal; có một mối liên hệ thực sự giữa sự nghi hoặc của ông và của Montaigne; và thông qua quan hệ họ hàng chung với Montaigne, Pascal liên quan đến truyền thống cao quý và lỗi lạc của các nhà đạo đức Pháp, từ La Rochefoucauld về sau. Trong sự trung thực khi đổi mặt với những dữ kiện của thể giới thực, truyền thống [tư tưởng] Pháp này có một phẩm chất độc đáo trong văn học Âu châu, và trong thế kỷ XVII, so với họ Thomas Hobbes là loại còn thô lậu và kém khai hóa.

Pascal là một người lịch duyệt giữa những người khổ hạnh, và là một nhà khổ hạnh giữa những người lịch duyệt; ông có kiến thức về tính thế tục và niềm đam mê của tinh thần khổ hạnh, và trong ông hai mặt này được hợp nhất thành một tổng thể cá nhân. Đa số nhân loại thì lười suy nghĩ, thờ ơ, chìm đắm trong những phù phiếm, và hờ hững trong cảm xúc, và do đó không có khả năng có nhiều nghi ngờ hoặc nhiều niềm tin; và khi người bình thường tự xưng là người hoài nghi hoặc vô tín ngưỡng, thì đó thường là một tư thế đơn giản, che giấu sự miễn cưỡng không muốn suy nghĩ bất cứ điều gì cho đến rốt ráo. Phân tích trần trụi của Pascal về cảnh nô lệ của con người đôi khi được lý giải là Pascal thực sự và rốt cuộc là một người vô tín ngưỡng, một người mà, trong nỗi tuyệt vọng, không có khả năng chịu đựng được thực tại và vui hưởng sự thỏa mãn dũng mãnh trong việc chẳng sùng bái đấng nào cả của con người tự do. Sự tuyệt vọng, sự vỡ mộng của ông, tuy nhiên, không hề minh họa cho sự yếu đuối cá nhân; chúng hoàn toàn khách quan, bởi vì chúng là những khoảnh khắc quan trọng trong bước tiến của linh hồn có trí tuệ; và đối với loại ngươi như Pascal, chúng tương tự như hạn hán, đêm tối, vốn là một giai đoạn thiết yếu trong tiến trình của nhà thần cảm Thiên Chúa giáo. Một nỗi tuyệt vọng tương tự, khi nó xảy đến với một tính cách bệnh hoạn hoặc một linh hồn uế tạp, có thể phát lộ trong những hậu quả tai hại nhất mặc dù thông qua những biểu hiện tuyệt vời nhất; và như thế chúng ta có Gulliver phiêu lưu ký; nhưng trong Pascal chúng ta thấy không có sự biến dạng như vậy; nỗi tuyệt vọng của ông thì khủng khiếp hơn so với của Swift, bởi vì trái tim của chúng ta nói với chúng ta rằng nó tương ứng chính xác với các dữ kiện và không thể bị loại bỏ như bệnh tâm thần; nhưng đó cũng là một nỗi tuyệt vọng vốn là khúc dạo đầu cần thiết của, và là một yếu tố trong, niềm vui của đức tin.

Tôi không muốn đi sâu hơn mức cần thiết vào câu hỏi về tính dị giáo của phái Jansen; và nó không phải là mối quan tâm của bài viết này, liệu năm tuyên bố bị lên án ở Roma có thực sự được Jansenius khẳng định trong cuốn Augustinus của ông ta hay không; hoặc liệu chúng ta có nên bác bỏ hoặc tán đồng sự tàn lụi sau đó (thực ra do sự bức hại nào đó) của Port-Royal hay không. Thật không thể thảo luận vấn đề này mà không bị dính líu với tư cách là một nhà tranh biện ủng hộ hoặc chống lại Roma. Nhưng ở một người thuộc loại của Pascal – và loại người này luôn tồn tại – tôi nghĩ, họ luôn có một thành phần của những thứ có thể được gọi là thuyết Jansen về tính khí, mà không đồng nhất nó với thuyết Jansen của Jansenius và của các tiến sĩ mộ đạo và chân thành, nhưng không có tài năng thiên bẩm lớn.3 Do đó, thật cần thiết phải xác định ngắn gọn học thuyết nguy hiểm của Jansenius là gì, mà không tiến quá xa vào điều tinh túy về thần học. Trong thần học Thiên Chúa giáo và thực ra trên một bình diện thấp hơn vơi mọi con người vướng trong công việc hằng ngày, người ta công nhận rằng ý chí tự do hoặc nỗ lực tự nhiên và năng lực của cá nhân, và cả ân sủng siêu nhiên, một món quà được chúng ta hoàn toàn không biết thế nào, cả hai đều cần thiết, trong sự kết hợp, cho sự cứu rỗi. Mặc dù nhiều nhà thần học đã đặt trí thông minh của họ vào vấn đề này, nhưng nó vẫn kết thúc trong một bí ẩn mà chúng ta có thể cảm nhận nhưng cuối cùng không giải mã được, ít nhất, rõ ràng là, giống như bất kỳ học thuyết nào, một bước đi hơi quá giới hạn hoặc hơi chệch sang bên này hoặc bên kia sẽ thúc đấy một dị giáo. Phái Pelagius, vốn bị Thánh Augustinus bác bỏ, nhấn mạnh tính hiệu quả của nỗ lực của con người và coi nhẹ tầm quan trọng của ân sủng siêu nhiên. Phái Calvin nhấn mạnh sự xuống cấp của con người qua Tội tổ tông, và coi nhân loại đã hư hỏng; đến mức ý chí cũng chẳng ích gì; và do đó rơi vào học thuyết tiền định, phái Jansen dựa vào chính học thuyết ân điển theo Thánh Augustinus; và cuốn Augustinus của Jansenius đã được trình bày như là một giải thích vững chắc cho quan điểm của Augustinus.

Những dị giáo như vậy không bao giờ là cổ lỗ, bởi vì chúng mãi mãi khoác những hình thức mới. Ví dụ, sự khăng khăng đòi hỏi những công việc và “phục vụ” tốt vốn được rao giảng từ nhiều miền, hoặc đức tin đơn sơ rằng bất kỳ ai sống một cuộc sống tốt lành và hữu ích thì không cần “lo lắng” thiếu lành mạnh về sự cứu rỗi, là một hình thức của thuyết Pelagius. Ngược lại, người ta thỉnh thoảng nghe thấy quan điểm rằng sẽ chẳng có ảnh hưởng thực sự gì nếu mọi biện pháp trừng phạt tôn giáo theo truyền thống đối với hành vĩ đạo đức bị sụp đổ, bởi vì những người được sinh ra và nuôi dạy thành người tốt sẽ luôn muốn ứng xử tử tế, và những người không được nuôi dạy như vậy sẽ cư xử theo cách khác hẳn trong mọi trường hợp: và đây chắc chắn là một tành thức tiền định – vì may rủi của việc sinh ra làm người tử tế hay không thì cũng kém chắc chắn như món quà ân sủng vậy.

Rất có thể rằng Pascal đã bị thu hút bởi những thành quả của phái Jansen trong đời sống của Port-Royal cũng như bởi chính bản thân giáo lý này. Hội đoàn mộ đạo, khổ hạnh, chu đáo này phấn đấu một cách anh hùng giữa một khối Thiên Chúa giáo thoải mái và lơi lỏng, được thành lập để thu hút một bản chất tập trung, say mê, và chu đáo như của Pascal. Nhưng việc nhấn mạnh mãi vào tình trạng suy đồi và trơ trọi của con người, trong phái Jansen, cũng là điều chúng ta phải biết ơn, vì nhờ nó mà chúng ta có được sự phân tích tuyệt vời về động cơ nghề nghiệp của con người vốn sẽ cấu thành phần đầu của tác phẩm này của ông. Và ngoài thuyết Jansen vốn là tác phẩm của một vị giám mục không nổi tiếng lắm, ngươi đã viết một luận văn bằng tiếng Latin mà bây giờ chưa được đọc, ta cũng có, cứ tạm nói như thế, một thuyết Jansen của tiểu sử cá nhân.

Một khoảnh khắc của phái Jansen có thế tự nhiên diễn ra, và diễn ra đúng, trong cá nhân; đặc biệt là trong cuộc đời của một người có năng lực trí tuệ lớn và mãnh liệt vốn không thể tránh nhìn thấy qua con người và quan sát được sự phù phiếm trong những suy nghĩ và những việc tiêu khiển của họ, sự thiếu trung thực và tự lừa dối của họ, sự thiếu thành thật của cảm xúc, sự hèn nhát, sự vụn vặt của những tham vọng thực sự của họ. Thực tế, với việc Pascal qua đời ở tuổi 39, người ta phải ngạc nhiên trước sự cân bằng và công chính trong các quan sát của ông; người ta cần phải trưởng thành hơn nhiều thì mới có được những phẩm chất này, trong khi bất kỳ sự vĩ đại về toán học hay khoa học nào cũng không đòi hỏi độ trưởng thành như thế. Ngẫm nghĩ của ông về cảnh đau khổ của con người khi không có Thiên Chúa hẳn đã có thể khuyến khích trong ông mầm tội lỗi của dục vọng tinh thần, concupiscence de resprit, dễ dàng làm sao, và ông giữ tính khiêm nhường vững chắc biết bao!

Và mặc dù Pascal đem vào tác phẩm này của ông cùng những năng lực mà ông từng sử dụng trong khoa học, nhưng ông không thể hiện mình như một nhà khoa học. Ông không hề có vẻ muốn nói với người đọc: Tôi là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất thời nay; tôi hiểu nhiều vấn đề vốn sẽ luôn là điều bí ẩn đối với bạn, và thông qua khoa học tôi đã đến với đức tin; do đó các bạn vốn không quen thuộc với khoa học cần phải có đức tin nếu tôi có đức tin đó. Ông ý thức rất rõ sự khác biệt của đề tài; và cách phân biệt lừng danh của ông giữa esprit de géométrie và esprit de finesse4 là một điều để ta suy ngẫm. Chính sự gắn kết hợp lý giữa nhà khoa học, homme honnête,5 với bản chất tôn giáo với sự khao khát đam mê hướng tới Thiên Chúa, đã làm cho Pascal trở nên độc đáo. Ông thành công ở chỗ Descartes thất bại; bởi vì trong Descartes, esprit de géométrie thì thái quá.6 Và trong một vài đoạn về Descartes, trong cuốn sách này, Pascal đã chỉ ra chỗ yếu.

Người đọc cuốn sách này sẽ thấy ngay tính chất rời rạc của nó; nhưng chỉ sau một nghiên cứu nào đó sẽ nhận ra rằng tính rời rạc ấy nằm trong cách biểu đạt hơn là trong suy tưởng. “Suy tưởng” không thể tách rời nhau và được trích dẫn như thể từng suy tưởng đã tự nó trọn vẹn. Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît pointé:7 Người ta thường nghe câu này được trích dẫn biết bao lần, và biết bao lần nó được trích dẫn không đúng mục đích! Bởi vì đây không hề có ý đề cao “trái tim” so với “đầu óc”, một biện hộ cho sự vô lý. Trái tim, trong thuật ngữ của Pascal, tự nó thực sự hợp lý nếu nó thực sự là trái tim. Đối với ông, trong các vấn đề thần học, vốn có vẻ lớn hơn, khó khăn hơn, và quan trọng hơn nhiều so với các vấn đề khoa học trong mắt ông, toàn bộ tính cách đều có liên quan.

Chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được bất kỳ phần nào, khi chúng rời rạc như vậy, mà không có hiểu biết nào đó về tổng thể. Phân tích trọng yếu của ông là về ba trật tự: trật tự của thiên nhiên, trật tự của tinh thần, và trật tự của lòng kính Chúa yêu người. Ba trật tự này không liên tục; cái  tầm cao hơn thì không ẩn tàng trong cái ở tầm thấp hơn như thường thấy trong một học thuyết tiến hóa.8 Trong sự phân biệt này, Pascal nêu ra rất nhiều điều mà thế giới hiện đại nên dành nhiều suy nghĩ cho chúng. Và quả thực, do sự kết hợp độc đáo và sự cân bằng giữa các phẩm chất của ông, tôi không thấy có tác giả tôn giáo nào trong thời đại của chúng ta phù hợp hơn ông.

Các nhà thần cảm vĩ đại như Thánh Juan de la Cruz [Gioan Thánh Giá], chủ yếu dành cho độc giả với một xác quyết đặc biệt về mục đích; các tác giả sùng kính, chẳng hạn như Thánh François de Sales, chủ yếu dành cho những người đã khao khát tình yêu Thiên Chúa một cách có ý thức; các nhà thần học vĩ đại thì dành cho những người quan tâm đến thần học. Nhưng tôi không thể nghĩ ra tác giả Thiên Chúa giáo nào, cả Newman cũng không, xứng đáng hơn Pascal đế giới thiệu cho những người còn nghi hoặc, nhưng cũng có tinh thần để tiếp thu, và có độ nhạy để cảm nhận, sự rối loạn, vô ích, vô nghĩa, mầu nhiệm của cuộc sống và đau khổ, và cũng là những người chỉ có thể tìm thấy bình yên thông qua sự thỏa mãn của toàn bộ bản thể.

Phạm Viêm Phương dịch

Mời các bạn đón đọc Suy Tưởng của tác giả Blaise Pascal.

Download ebook


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[ad_1] Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! *Mỗi người cần tra vấn những suy nghĩ của mình, và sẽ thấy tất cả bị choán giữ…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close