Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app

Giới thiệu ebook

Những năm hai mươi thời Minh Trị, Nhật Bản đang chuyển mình thành một quốc gia công nghiệp hóa, đắm chìm trong không khí duy tân cùng những chuyển biến xã hội quá nhanh chóng. Lafcadio Hearn sống mười bốn năm cuối đời ở Nhật suốt thời kỳ này và viết hơn bốn ngàn trang sách về đất nước và con người Nhật Bản. Bằng khả năng quan sát tinh tế và đồng cảm lớn lao, ông đã nắm bắt được những tâm trạng mâu thuẫn của thời đại. Tập hợp mười lăm bài tiểu luận, tản văn và truyện cổ, Kokoro đã phóng chiếu tâm thức và cảm xúc nội tại của nước Nhật buổi giao thời những năm 1890.

“Những tiểu luận trong Kokoro nằm trong số những tác phẩm hay nhất cùa Hearn về Nhật Bản, vì những góc nhìn đa dạng của chúng, và còn vì sự nhận xét với nhãn quan sáng tỏ của ông về những giá trả và lợi ích trong cuộc lao mình vào tính hiện đại trong không gian của một thế hệ.” (Patricia Welch)

***

Một khảo cứu về Kokoro – Những ám thị và âm vang trong đời sống nội tại Nhật Bản

Lafcadio Hearn thấu hiểu Nhật Bản đương đại tốt hơn,

và khiến chúng ta thấu hiểu Nhật Bản tốt hơn bất kì người viết

nào khác, bởi lẽ ông yêu nước Nhật sâu sắc hơn.

— Basil Hall Chamberlain —

Kẻ du tử Lafcadio Hearn (1850 – 1904) có lẽ là người con nuôi được ưu ái của Nhật Bản thời Minh Trị. Trong mười bốn năm cư ngụ ở Nhật từ năm 1890 đến khi ông mất, ông trước tác khoảng mười hai cuốn sách, bao gồm các hồi kí, những bản kể mới về các câu chuyện dân gian, những nghiên cứu về Nhật Bản, và những phác thảo về đời sống người Nhật. Ông cũng đã giảng dạy văn học Anh tại Đại học Hoàng gia Tokyo, kết hôn rồi sinh con với một phụ nữ Nhật, và nhập tịch thành công dân Nhật, lấy tên là Koizumi Yakumo. Suốt đời mình, ông nổi tiếng ở phương Tây nhiều hơn là ở Nhật. Độc giả tìm thấy trong những quan sát của ông một xúc cảm thấm thía và đẹp đẽ về một “Nhật Bản đang tan biến”. Sau khi mất, tiếng tăm ông sa sút dần. Điều này có lẽ có hệ quả từ việc chủ nghĩa đế quốc càng ngày càng hung hãn ở Nhật, một sự vu khống quả quyết nào đấy trong một cuốn tiểu sử trước đó, đã lên án cả nhân vật và tác phẩm văn học của ông, và cũng bởi sự thay đổi các cảm thức văn học.1 Ở Nhật, trái lại, tiếng tăm của ông theo thời gian qua đi chỉ càng thêm tăng. Ngày nay, ông được ngưỡng mộ vì những diễn tả đồng cảm của mình về đời sống Nhật Bản “truyền thống”, cùng các diễn tả về những mẩu chuyện ma và truyện dân gian, đa phần chúng đã được dùng như là những văn bản nguồn cho các mô phỏng. Chẳng hạn, bộ phim đẹp ớn lạnh Quái đàm (Kwaidan) của đạo diễn Kobayashi Masaki năm 1964 được dựa trên những diễn tả của Hearn trong những câu chuyện ma Nhật Bản. Nhưng điều này không phải để nói rằng khối công trình của Hearn trên đất Nhật là vô giá trị với các độc giả phương Tây đương đại, những người có thể thấy các quan sát của ông là sắc bén và có tính tiên tri. Kokoro: Những ám thị và âm vang trong đời sống nội tại Nhật Bản, một tuyển tập mười lăm tiểu luận xuất bản lần đầu năm 1896 cung cấp cho độc giả một thị kiến chiết trung về “những đặc tính của người Nhật và những nguồn căn mà từ đó họ nhảy vọt”.2 Bởi lẽ các tiểu luận này được đặt chính xác ở trung tâm điểm của Thời kì Minh Trị, độc giả đương đại có thể học biết nhiều thứ về sự thay đổi những khái niệm quốc gia, hiện đại hóa và truyền thống, qua đôi mắt của một người đã có mặt để làm chứng cho các chuyển giao đó.

(1) Tác giả George Milbury Gould, trong cuốn Concerning Lafcadio Hearn (Về Lafcadio Hearn), Philadelphia: NXB George W. Jacobs and Company, 1908.

(2) Điểm sách Kokoro của New York Times, ngày 4 tháng Tư năm 1896.

Patricio Lafcadio Tessima Carlos Hearn sinh ra tại Đảo Leucadia năm 1850, là con thứ hai của Charles Bush Hearn, một bác sĩ phẫu thuật mang hai dòng máu Ireland-Anh đồn trú tại đó với Quân đội Anh, và Rosa Antonio Cassimati. Cuộc hôn nhân bí mật của họ, tiến hành năm tháng sau khi đứa con đầu tiên của họ chào đời (rồi sau đó Rosa nhận ra bà đã mang thai lần thứ hai), là một thất bại gần như ngay từ đầu. Ba tháng sau khi cưới, Hearn rời vợ vì bị điều chuyển đến vùng Tây Ấn Anh, chưa hề đăng kí cuộc hôn nhân của mình với Văn phòng Chiến tranh Anh quốc. Hơn nữa, nhận thức được ác cảm của mẹ ông đối với khối liên hiệp, ông đã chọn không dời Rosa về Dublin. Người mẹ trẻ mất đứa con đầu lòng ngay trước khi Lafcadio được hai tháng tuổi, và bà dồn hết tình thương vào đứa trẻ còn lại. Những kí ức sớm nhất của Lafcadio là việc lang thang qua những con phố của Leucadia với mẹ mình.

Năm 1852, Charles Hearn, vẫn đóng quân ở Tây Ấn, cuối cùng đã dời vợ con về Dublin. Việc này cũng lại là một thất bại: gia đình Ireland-Anh danh giá của Hearn sững sờ phát hiện ra rằng Rosa bị thất học, và sự va chạm văn hóa giữa đạo Tin lành thuần thành của họ với đức tin của Rosa về các hồn ma cùng những vị thánh hẳn sẽ nực cười nếu không phải là những hậu quả bi thảm. Rosa và con của bà đã nương náu ở dinh thự của Sarah Brenane, dì góa của thiếu tá Hearn, người đã cải đạo theo Công giáo La Mã khi kết hôn. Rosa có một cuộc hội ngộ ngắn ngủi với chồng mình khi anh quay về Dublin nghỉ ốm, dẫu nó chỉ để khẳng định rằng cuộc hôn nhân thực tế gần như đã kết thúc. Khi hồi phục, Thiếu tá Hearn rời Rosa lần cuối, dù bà hãy còn chưa biết điều này. Rosa – lại có thai – quay về Hi Lạp, để Lafcadio Hearn (lúc ấy được gọi là Patrick hay Paddy) lại với Sarah Brenane. Ở đó, bà biết rằng chồng mình đã hủy hôn. Lafcadio chẳng bao giờ gặp mẹ lần nào nữa. Lafcadio vẫn ở với bà-dì Sarah, cùng người em sơ sinh đã được đưa về Ireland nuôi dưỡng bởi người cha nhân chuyến về Dublin của ông. Suốt đời mình, Hearn luôn cảm thấy bị người cha – kẻ đã bỏ rơi mẹ ông – phản bội, dù ông tiếp tục tôn vinh kí ức về mẹ mình.

Bà-dì Sarah Brenane sáu mươi bốn tuổi, không con và giàu có khi bà trở thành người giám hộ của Lafcadio. Theo như được kể, bà đã chăm lo cho Lafcadio hết khả năng của mình: về học vấn, đầu tiên là gia sư tại nhà rồi tiếp đến là một loạt những trường nội trú; mùa hè thì dành thời gian ở biển. Vả chăng, cả hai mến nhau, một cách lúng túng. Lớn lên, Hearn, người luôn cảm thấy mình như một kẻ ngoài cuộc, nỗ lực chống lại phong thái Victoria khắc nghiệt của bà cùng những cung cách Công giáo La Mã nghiêm ngặt của kẻ cải đạo. Ông ẩn náu trong những câu chuyện dân gian và những truyện ma được kể bởi các vú nuôi, các ngư dân, và những người khác, cũng như trong những cuốn sách minh họa về thần thoại cổ điển mà ông phát hiện trong thư viện hiếm khi được dùng tới của bà-dì. Những nguồn đa tạp này đã di dưỡng ông về mặt thẩm mĩ và xúc cảm.

Mặc dù Sarah Brenane đã định giao tài sản cho người thừa tự chính của mình, nhưng bà đã rơi vào vòng ảnh hưởng của Henry Hearn Molyneax, một doanh nhân tuyên bố mình là họ hàng xa của người chồng quá cố của Sarah. Đầu tiên bà thu xếp một khoản trợ cấp thường niên cho hôn thê của Henry, rồi kế đó chuyển giao phần lớn tài sản của mình cho anh ta và vợ sau khi họ cưới. Khi họ lấy được lòng của bà Brenane, cậu bé nổi loạn bị đẩy ra xa dần. Ban đầu, cậu bé được gửi đến một trường nội trú xa xôi, nơi chấn thương làm mù mắt trái của cậu xảy tới. Rồi việc kinh doanh nhập khẩu của Molyneax thất bại, gần như làm bà-dì của Lafcadio phá sản. Cậu Hearn trẻ tuổi từ trường về nhà để hồi phục chấn thương mắt. Cậu nhanh chóng bị tống cho một cựu nhân viên ở London, và thế nào đó về sau lại tới Hoa Kì. Sau khi bà- dì của cậu mất, Hearn không hoàn toàn bị sốc khi biết rằng cậu thậm chí còn chẳng được nhận khoản trợ cấp thường niên được hứa dành cho mình sau khi bà đã thay đổi bức chúc thư theo chiều hướng có lợi cho Molyneax.

Một khi tới Hoa Kì, Hearn, kẻ đã đối mặt với vô số lần bị từ chối trong đời bắt đầu khẳng định được sự độc lập của mình. Nhanh chóng bỏ cái tên Patrick; từ đó trở đi, ông nhấn mạnh việc được gọi là “Lafcadio”, kẻ du tử. Ông cực kì phấn đấu trong những năm đầu ở Hoa Kì, nhưng rốt cuộc tìm thấy chính mình ở Cincinnati, Ohio, nơi ông bắt đầu học nghề (in ấn) và theo đuổi thiên tư (viết văn). Sự nghiệp báo chí của ông khởi đầu năm 1872 với những phác họa chi tiết về đời sống bên lề, các khu vực của người da đen, và các địa khu của kiều dân ở Cincinnati. Những bài viết gợi mở này thu hút độc giả đương thời. Mặc dù một số bài – chẳng hạn câu chuyện dài về Sát nhân Tanyard trong đó những kẻ giết người cố gắng đốt xác phi tang – quả là đáng sợ, ông được hâm mộ bởi khả năng gợi lên thời gian, địa điểm và động cơ thông qua những tính cách đầy màu sắc và những mô tả “đậm đặc”. Hơn nữa, không giống đa số những người viết xử trí các chủ đề nguy hiểm vào thời đó, ông không chỉ phá vỡ những quy chuẩn thượng lưu, mà còn có khả năng làm vậy theo cách không hoàn toàn phản ánh những quan điểm thông thường cho rằng những kẻ bị đẩy ra ngoài lề là hạ tiện.

Ông ném mình vào trong tác phẩm của mình, hệt như một nhà dân tộc học dự phần trong những cuộc đời mà ông mô tả. Kinh ngạc, với những bạn bè thông thường hơn của ông, Hearn phát triển “một thị hiếu” với những mảnh đời và văn hóa của tầng lớp dưới ở Cincinnati. Năm 1874, trước sự không hài lòng của hầu hết bạn bè cả da đen và da trắng, ông cưới Alethea “Mattie” Foley, đầu bếp lai chủng ở nhà trọ nơi ông sống. Với các đạo luật về hôn nhân khác sắc tộc của Ohio tại thời điểm đó, cuộc hôn nhân này không được phép; và chỉ bằng việc lờ đi Mattie là người da trắng, ông thuyết phục một mục sư da đen làm lễ kết hôn cho họ. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này kéo dài không lâu. Vụ tai tiếng, khi nó bị lộ ra, dẫn tới hậu quả Hearn bị sa thải khỏi tờ Enquirer, dù ông đã nhanh chóng được tuyển dụng bởi tờ Commercial, một tờ báo đối thủ. Khi lời đồn về cuộc hôn nhân lại trồi lên sau cái chết của ông, một lần nữa nó lại là tin tức gây tai tiếng.

Háo hức với những cuộc phiêu lưu mới, và mỏi mệt vì mùa đông lạnh thấu xương ở Ohio, Hearn dời đến New Orleans sau kì bầu cử Tổng thống năm 1876 để làm phóng viên chính trị cho tờ Commercial, dù ông cũng sớm bị thải hồi khỏi tòa báo vì thực hiện thiếu bản tin theo hợp đồng. Đúng hơn, ông thấy mình bị mê hoặc bởi con người và văn hóa lai của thành phố New Orleans này, điều ông bắt đầu xem như là một kiểu mẫu cho tương lai của nước Mĩ. Ông gia nhập lực lượng với George Washington Cable, một nhà văn hóa dân gian tiên phong, và cùng nhau, họ tuyển tập những câu chuyện của người Creole bản địa và những bài tình ca Mĩ-Phi. Trước Hội chợ Thế giới 1884 ở New Orleans, Hearn đã biên soạn nhiều tài liệu của ông về văn hóa của người Creole bản địa. Thú vị là, cũng chính khoảng thời gian này ông bắt đầu viết về Nhật Bản: một vài tiểu luận trên tờ Harper’s về Gian hàng Nhật Bản tại Hội chợ New Orleans. Ông quyết định rằng mình sẽ viết một cuốn sách về Nhật Bản, dù ít năm trước ông đã xoay xở để du lịch đến Nhật. Sau khi rời New Orleans, ông trải qua thời gian ở bờ vịnh Mississippi, hai năm ở Martinique, và ở New York, một thành phố ông ghét cay ghét đắng vì những thứ ông xem như là những hệ quả tiêu cực của sự đề cao về doanh thương và chủ nghĩa vật chất của nước Mĩ.

Trong những năm sau khi rời Cincinnati, ông phát hiện thấy chuyên môn của mình như là một nhà văn. Dù vẫn tiếp tục viết báo khi có dịp, xuất phẩm của ông bao gồm nhiều bài viết cho tạp chí (chủ yếu cho tờ Harper’s), những bản dịch văn chương Pháp thuần thục, và sáu cuốn sách dài, kể cả hai tiểu thuyết ngắn. Trong khi các tiểu thuyết ngày nay chủ yếu được đọc như là những đoạn thời gian gợi mở, những tác phẩm báo chí có tính dân tộc học của ông về văn hóa của người Creole bản địa bấy giờ được xem là đột phá, gần như là cách mạng trong tương quan của nó với tính lai tạp, và sự khước từ phần nào của nó với những mô hình tiến hóa của văn hóa nổi trội vào thời ấy. Theo lời của Simon Bronner, người đã bàn rất rộng về các văn bản của người Creole của Hearn, thì Hearn:

“đã nhìn thấy trong văn học dân gian một cửa sổ tới cái ông gọi là “đời sống nội tại”, hay là ý nghĩa của sự biểu cảm ở tầng lớp bình dân. Là một người bên ngoài các học viện ưu tú, Hearn tiên cảm những ưu tư về đô thị hay là lĩnh vực văn học dân gian “hiện đại”, và là một người bên ngoài nước Mĩ, ông trình bày sự lai hóa như là tiến trình và phép ẩn dụ, từ đó đối diện với di sản chủng tộc của quốc gia trong sự phát triển về văn hóa của nó”. (Bronner trang 146)

Dù ngày nay sẽ chẳng đáng kể, nhưng vị thế này đã đặt ông vào chỗ bất hòa với nhiều nhà văn hóa dân gian thời kì đầu. Hơn nữa, trái ngược với nhiều tác giả dân tộc học người Mĩ khác, nhưng cùng chí hướng với những nhà văn hóa dân gian Pháp, Hearn coi tài liệu của ông là xác thực và cố hữu, tài sản đích thực của những người bản địa, và không chỉ đơn thuần là những bắt chước theo văn hóa tinh hoa. Cuối cùng, bằng việc xem xét tầm quan trọng của bối cảnh xã hội trong việc ảnh hưởng đến cách thức và lí do con người và văn hóa có thể ứng xử theo những lối nhất định để phản ứng lại các tác nhân kích thích nhất định, Hearn báo trước sự xuất hiện của những nhà văn như Oscar Lewis.

Cuối cùng Lafcadio đã khởi hành đến Nhật Bản, du lịch đường bộ trước khi lên một con tàu hướng về phía Yokohama. Ông đến nơi ngày 12 tháng Tư năm 1890, dự định chỉ ở lại một thời gian đủ để viết một cuốn sách về phong tục, tôn giáo, và triết lí Nhật Bản. Ngay cả thế, trong bức thư gửi cho nhà xuất bản đề cập đến dự án của mình cũng cho thấy rằng ông đã đề xuất việc tiếp cận chủ đề của mình từ góc độ khác với nhiều người tạm trú Tây phương khác. Ông viết:

Trong nỗ lực viết một cuốn sách về một quốc gia rất mực dè dặt như Nhật Bản, tôi không thể hi vọng – cũng như sẽ không xem xét điều đó trong nỗ lực thận trọng – khám phá ra những điều hoàn toàn mới mẻ, mà chỉ xem xét những thứ đó theo một cách hoàn toàn mới mẻ thôi… Mục đích nghiên cứu sẽ nhằm tạo ra, trong tâm trí độc giả, một ấn tượng sống động về đời sống tại Nhật – không đơn thuần là một người quan sát mà như một người dự phần vào cuộc tồn tại hàng ngày của quần chúng, và nghĩ cùng thứ họ nghĩ.(3)

(3) Gửi Tạp chí Harper’s, 1889. Trích từ Những bài viết về Phật giáo của Lafcadio Hearn (The Buddhist Writings of Lafcadio Hearn, Santa Barbara, CA: NXB Ross-Erikson), 1977; vii.

Vậy nên có lẽ, chẳng mấy ngạc nhiên khi việc lưu trú của ông ở Nhật đã kéo dài đến cuối đời – năm 1904, và là cuộc lưu trú dài lâu nhất ông đã sống ở bất cứ đâu khác, hơn cả những năm tháng phần nhiều bất hạnh của ông ở Ireland khi còn bé.

Lúc định cư ở Nhật, ban đầu Hearn dạy tiếng Anh ở Matsue, một dinh trấn cũ ngái ngủ gần Biển Nhật Bản. Ở đó ông gặp Setsu, con gái của một võ sĩ đạo sa sút, người đã trở thành vợ ông. Ông dọn đến Kumamoto để giảng dạy ở trường Trung học Fifth Higher. Kumamoto, cũng là một dinh trấn cũ, có một cảm thức rất khác biệt với Matsue. Nó đã trở thành một nơi dành cho các lực lượng vũ trang mới của Nhật, rồi sau bị hỏa thiêu trong cuộc nổi dậy Satsuma năm 1877. Năm 1895, sau thời gian tạm trú ở Kobe, một thành phố cảng mở có tô giới của người nước ngoài sôi động, nơi ông đã viết Biên niên sử Kobe, Hearn được mời giữ chức giáo sư Anh ngữ tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Dù không mấy quan tâm đến Tokyo, ông đã nhận thức được tầm quan trọng của nó trong công cuộc hiện đại hóa của Nhật. Hearn tiếp tục dạy ở Đại học Hoàng gia Tokyo cho đến năm 1903, khi nghiệp chủ đề xuất chuyển hợp đồng của ông thành một hợp đồng địa phương. Điều này liên quan đến một sự cắt giảm tiền lương đáng kể. Từ đó cho đến ngày mất, ông thuyết giảng ở Đại học Waseda và cũng đã soạn hàng loạt bài giảng được chuyển giao cho Đại học Cornell. Thật không may, các giảng viên đã chẳng bao giờ hiện thực hóa nó. Ông chết vì suy tim vào tháng Chín năm 1904.

Trong suốt mười bốn năm định cư tại Nhật, Hearn trước tác sung sức đáng kể. Ông đã viết mười hai cuốn sách, bao gồm Kokoro, Đại cương về Nhật Bản không quen thuộc, Quái đàm, và Cổ vật, thêm vào đó là những bài báo, tiểu luận khác, cùng vô số thư từ với bạn bè cả trong và ngoài Nhật Bản. Qua những địa phương mà ông sinh sống, và đời sống của ông cùng gia đình mở rộng của vợ, Hearn đã có một quan điểm tương đối khác biệt về Nhật Bản trong suốt một thời đại đầy biến cố xã hội rộng lớn so với đa số những du khách ngoại quốc khác.

Trong những năm 1890, Nhật Bản là – diễn lời người kể chuyện vô danh đã về già trong tiểu thuyết Tâm của Natsume Soseki khi đề cập đến thời tuổi trẻ của mình – “một bí ẩn ngay cả với chính nó”. Trong không gian của một thế hệ, tiếp theo cuộc Cải cách Minh Trị, Nhật Bản đã trải nghiệm một thời đoạn thay đổi xã hội nhanh chóng gần như vô song trên thế giới, khi nó nỗ lực để chuyển mình thành một quốc gia công nghiệp hóa, có khả năng sánh vai với các cường quốc phương Tây. Quốc gia mới ấy đòi hỏi nhiều ở công dân của nó, và các công dân mới đó hưởng ứng mạnh mẽ, nhưng nhịp tiến triển và sức ép của những thay đổi gây ra những căng thẳng nội tại trong cá nhân, và ức chế trong xã hội. Về mặt ý thức, phần nào, các thay đổi đó đã được thúc đẩy thông qua việc hoạch định một hệ thống nhà nước định hình lại những mối quan hệ xã hội theo Khổng giáo với sự hưng khởi của kỉ nguyên hiện đại, như nó được bộc lộ trong Hiến pháp Minh Trị, Bộ luật Dân sự, và Công lệnh Hoàng gia về Giáo dục, tất cả đã được soạn thảo vào thời điểm Hearn đến Nhật. Mỗi người đều có trách nhiệm lao động chăm chỉ với quốc gia mới, bằng bất cứ giá nào. Về mặt khách quan, Nhật Bản đang gặp phải nhiều thách thức của hiện đại hóa với sự hào nhoáng bề thế, mặc dù các chi phí cá nhân với nhiều người là rất lớn. Những năm thứ 20 của thời Minh Trị, nói cách khác, thời điểm Hearn đến Nhật, chứng kiến sự tích lũy và chủ nghĩa quốc gia lớn mạnh, mầm mống xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, trong khi nhịp tiến của thay đổi xã hội vẫn không giảm sút. Hearn, với khả năng quan sát và đồng cảm lớn lao có thể nắm bắt phong phú những tâm trạng mâu thuẫn của thời đại ấy.

Mười lăm bài trong Kokoro: Những ám thị và âm vang trong đời sống nội tại Nhật Bản, bao gồm các phác thảo, tiểu luận, thiền định, và truyền thuyết. Với Hearn, mỗi một tác phẩm này phát lộ điều gì đó về tâm trí dân tộc hoặc đời sống nội tại của Nhật Bản, điều gì đó mà ông tin nó có tồn tại. Tuyển tập dường như mang đặc tính riêng, song có thể thấy được một số hình mẫu sáng nghĩa. Gần như những hình mẫu này phát lộ nhiều điều về vị thế trí tuệ của Hearn giống như chúng phát lộ về Nhật Bản.

Có một hình mẫu liên quan đến sức mạnh của tình yêu gia đình: tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, hay con cái dành cho cha mẹ. Điều này có thể thấy trong bài đầu tiên, “Ở ga xe lửa”, thuật lại cuộc chạm trán giữa một kẻ giết người và đứa trẻ con nạn nhân của y ở ga xe lửa. Cuộc gặp đó, hiện ra như nó là một chuyện tình cờ Hearn chứng kiến, đạt tới sự sáng nghĩa lâu dài với mọi người hiện diện khi tên tội phạm có đôi mắt hoang dã đổ sụp và bày tỏ sự hối tiếc về hành động bạo lực của mình. Trước sự ngạc nhiên của người kể chuyện phương Tây (hư cấu), lời thú tội làm thỏa mãn đám đông nhốn nháo. Trong phần đầu của “Thời thổ tả”, Hearn viết một cách thấm thía về sự tàn phá của một trận dịch tả với gia đình và cộng đồng; trong phần thứ hai, hồn ma của một người mẹ trẻ mớm sữa cho con nàng bên trên ngôi mộ. Tình yêu trường cửu của nàng dành cho con mình, và sự tôn trọng của chồng nàng với ước nguyện lúc lâm chung của nàng khiến phép màu này thành khả dĩ. Và trong tiểu luận thứ ba, “Ni cô chùa A di đà”, là một người đàn bà trẻ liên tiếp mất cả chồng lẫn con. Linh hồn tan nát vì buồn đau, cuối cùng cô kết nối với cậu bé con mình thông qua một nghi thức bí truyền ở một ngôi chùa. Cậu bé kể với cô rằng cậu đã chết để cô có thể sống; và dù thông điệp của cậu giúp cô trụ vững, chính cô trở nên giống hệt như một đứa bé. Chấp nhận điều đó, song thân đã có tuổi của cô cho cô làm ni cô, dù là trong một “ngôi chùa rất nhỏ”, với một “ban thờ rất nhỏ”. Mọi người đều chăm sóc cho ni cô vô tội ấy, và nhiều lứa trẻ con quanh ngôi chùa về cơ bản hiểu nỗi lòng mất con của cô đã biến đổi cô thế nào; chúng chấp nhận cô như một trong số chúng, và chơi đùa cùng cô như thể chúng đang chơi cùng bạn bè mình. Sau khi cô mất chúng đề nghị dành cho cô một “mộ chí rất, rất nhỏ” để có thể an táng tro cốt của cô.

Các tiểu luận còn lại trong tập ít kì dị hơn. Chúng nỗ lực truyền đạt sự hiểu biết của Hearn về các ý niệm tôn giáo và triết lí Nhật, cái ông xem như là sự báo hiệu cho muôn mặt của cuộc đời. Trong những tiểu luận này, Hearn bắt đầu tiến hành diễn giải những khái niệm ban đầu của ông về sự nối kết giữa tâm linh, tự ngã, và chủ thể. Chủ đề đó đã mê hoặc ông suốt phần đời còn lại. Hearn, một tín đồ của thuyết tâm lí tiến hóa của Herbert Spencer (1820 – 1903), bị thuyết phục rằng lí thuyết của Spencer không phải là không tương thích với đạo Phật. Spencer, người đề ra cụm từ “sự sống sót của loài thích hợp nhất” thường được quy cho Charles Darwin, là một tín đồ nhiệt thành của tiến hóa. Trọng tâm tư tưởng của ông là quan niệm gây tranh cãi thời bấy giờ về “kí-ức-chủng- tộc”. Đối với Hearn, xúc cảm và trực giác là những ví dụ khởi nguyên của kí ức được kế tục hay là “kí-ức-chủng-tộc”. Xúc cảm liên kết các cá nhân với quá khứ chưa được biết, điều họ hiểu ở chừng mực căn bản nào đó. Hearn viết trong “Người hát dạo” về việc ông đã khóc thế nào khi nghe ca khúc ai oán của một người xẩm mù:

Kí ức được kế tục tạo ra sự quen thuộc ngay cả với trẻ sơ sinh cái ý nghĩa của âm điệu âu yếm này. Cũng vậy, không nghi ngờ gì, tri thức của chúng ta được kế tục những âm điệu của cảm thông, của buồn đau, của lòng trắc ẩn. Vậy nên lời ca của một người đàn bà mù ở thành phố vùng Viễn Đông này thậm chí có thể thức tỉnh xúc cảm trong tâm trí của một người Tây phương sâu hơn cả hiện hữu của cá nhân – nỗi thống thiết nghẹn ngào mơ hồ về những u sầu đã bị lãng quên – các xao xuyến yêu thương mơ màng về những lớp người không được nhớ đến. Cái chết chẳng bao giờ chết tuyệt đối. Kí ức ngủ quên trong những tế bào thẳm tối nhất của con tim mỏi mệt và bộ não bận rộn, để rồi giật mình vào những khoảnh khắc hiếm hoi nhất chỉ bằng âm vang của giọng nói nào đó triệu hồi quá khứ của chúng.

Dù không hiểu lời bài hát, nội dung xúc động của nó vẫn tự động được truyền đạt tới ông ở cấp độ cơ thể. Ý niệm về kí ức được kế tục được phát triển hơn nữa trong những tiểu luận như “Từ nhật kí du hành”, “Buổi hoàng hôn của những thần tượng”, “Ý niệm về tiền kiếp”, “Nghiệp lực” và “Một số ý tưởng về tục thờ cúng tổ tiên”, và ông bắt đầu liên kết nó với những quan niệm của Phật giáo về nghiệp. Cái được coi là kí-ức-chủng-tộc ở Spencer, Hearn tin là nó tương ứng với nghiệp của Phật giáo Nhật Bản. Đối với Hearn, nghiệp (nhân duyên/ innen) không chỉ đơn thuần hợp lí về mặt tâm lí, mà còn khả dĩ về mặt khoa học vì những cách thức nó được sẻ chia và kế tục. Trong phần giải thích của mình, ông chỉ ra cách người Phật tử loại bỏ “những khái niệm của phương Tây về linh hồn” như là độc nhất và đơn nhất, bởi vì họ hình dung linh hồn như là “một toàn thể hay một kết tập của cái phức hợp bất khả giải, – cái tổng thành được huân tập từ những ý nghĩ đã tạo tác trong những kiếp trước vượt ra ngoài mọi tính đếm”. Tức là, với Hearn, linh hồn của người theo đạo Phật vừa siêu-cá-nhân – vượt ngoài tính cá nhân – vừa có khả năng kế tục. Hơn nữa, như đã đặt ra, nó không phải là không tương thích với những ý niệm khoa học hiện đại, có liên quan đến tiến hóa, “kí ức được kế tục”, và trực giác. Ông viết:

Bản năng, trong ngôn ngữ của tâm lí học hiện đại, nghĩa là “kí ức được tổ chức”, và bản thân kí ức chính là “bản năng phôi thai”– tổng số những ấn tượng được kế tục bởi cá nhân kế sau trong xâu chuỗi đời sống. Như vậy khoa học công nhận kí ức được kế tục: không phải trong ý nghĩa ma quái của việc nhớ lại các chi tiết ở kiếp trước, mà như là sự tích lũy từng chút vào đời sống tâm lí kết hợp với những thay đổi từng chút trong cấu trúc của hệ thống thần kinh được kế tục.

Bộ não của mỗi cá nhân là một sự tổng hợp các trải nghiệm riêng thân và các trải nghiệm được kế tục từ tổ tiên của cá nhân đó. Sự cần thiết phải phá vỡ ảo tưởng về cái tôi cá nhân, trong đạo Phật, được biểu lộ một cách nghịch lí là lưỡng lợi về mặt luận lí. Nó cũng biểu lộ là không đối nghịch với tiến hóa, hay chủ trương hiện đại hóa trong thời Minh Trị của Nhật – tốt hay xấu – dẫu cho chẳng may có lẽ như vậy. Trong tiểu luận “Ý niệm về tiền kiếp”, Hearn đã gợi ý xa hơn nữa rằng cùng với sự chấp nhận rộng lớn hơn của các lí thuyết khoa học về tiến hóa, việc diễn giải khái niệm của phương Tây về Tự ngã sẽ tiến tới mức gần như tương đương với việc diễn giải khái niệm của người Nhật, và cái ý niệm về “sự tan rã của Cái Tôi” không phải là không tương thích với những gì ông miễn cưỡng xem như là mục tiêu tối thượng của Ki-tô giáo.

Tuy nhiên, điều thú vị nhất là những quan sát của Hearn về chủ đề Minh Trị thông qua các tiểu luận như “Thiên tính của Văn minh Nhật Bản”, “Hậu chiến”, “Đại cương về các xu hướng” và “Người thủ cựu”. Thi thoảng, cho dù Hearn bị bác bỏ khi lãng mạn bám lấy một thị kiến nhân tạo về một “Cựu Nhật Bản”, hình ảnh một người thu nhặt được thông qua những tiểu luận này không phải là hình ảnh của một ai đó bám lấy thị kiến về một quá khứ tưởng tượng được lí tưởng hóa một cách hoài cổ, mà đúng hơn là một người có óc thực tế nhìn thấy cả những lợi ích của công cuộc hiện đại hóa cũng như giá trả của nó. Những tiểu luận này phát lộ những âu lo, sự kiêu ngạo, cùng những căng thẳng của chủ thể Nhật Bản trong những năm thứ 20 của thời Minh Trị, mà ông thường đặt nó bên cạnh sự kiêu ngạo và đánh giá thấp người Nhật của chính những người phương Tây. Lòng yêu mến của Hearn dành cho nhiều tập tục và truyền thống của Cựu Nhật Bản tốt nhất nên đọc dưới ánh sáng của sự ghê tởm kéo dài của Hearn với chủ nghĩa vật chất kiểu Mĩ tại Mĩ, thứ mà ông xem là làm mất phẩm giá, vô hồn, và gây chết chóc. Trong một lá thư viết gửi George Gould trước khi tới Nhật, ông đã viết, “Mĩ đã sa lầy trong sự ám ảnh của mình với doanh thương” theo cách mà doanh thương đã tước lấy về mặt tâm linh cùng đức lí và Hearn đã chán nản nó rồi.(4)

(4) Jonathan Cott, 1991. Hồn ma lang thang: Thiên du kí của Lafcadio Hearn (Wandering Ghost: The Odyssey of Lafcadio Hearn, New York: NXB Alfred A. Knopf, tr. 228).

Hơn nữa, việc ông sốt sắng giải quyết những căng thẳng chủng tộc ở Nhật phản ánh sự quan tâm của ông về những điều kiện xã hội tồn tại từ lâu trước ngày ông định cư ở đó.

Theo quan điểm của Hearn, chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã có những thay đổi cần thiết tại Nhật, và đặc tính Nhật cũng đã có những thay đổi thành công khả dĩ (khi được đo lường bởi các tiêu chí bên ngoài), nhưng các cạm bẫy, nhất là sự hủy diệt tự nhiên, là không thể tránh khỏi. Trong những tiểu luận này, những nhận định của Hearn phức hợp một cách đáng ngạc nhiên. Là một người kiên tín với tiến hóa, ông chấp nhận rằng sự lựa chọn lao đầu lặn sâu vào cuộc Tây hóa giữa thế kỉ XIX của Nhật là cốt yếu nếu nó duy trì được sức mạnh để sống sót. Thực tế, chính di sản của đặc tính đạo đức của dân tộc Nhật – ông tin vậy – đã mang lại khả năng thay đổi cấp tốc đến vậy. Tuy nhiên, ông cũng lo sợ bóng ma của một Nhật Bản bị Tây hóa trong sự thiếu vắng một cảm thức thực thụ tương xứng về tính cá nhân. Từ điều này ông cảm thấy những rắc rối có thể kéo tới trong tương lai. Ông cũng lo sợ sự kiêu ngạo qua lại giữa phương Tây và Nhật Bản, mỗi bên đều tự tin vào tính ưu việt ở xã hội của riêng mình, và như vậy khó lòng đạt tới những đỉnh điểm của sự thấu hiểu đích thực.

Vị thế của Hearn, bởi vậy, là mâu thuẫn: Nhật Bản phải hiện đại hóa, nếu nó muốn sống sót; nó phải khao khát chủ nghĩa cá nhân thực sự nếu muốn bảo vệ được độc lập của mình; và nó phải bảo thủ bám lấy một số truyền thống quốc gia nếu muốn duy trì cốt lõi đức lí của mình, không giống như các nước phương Tây đã thất tán tâm linh lúc đó.

Cuối cùng, cũng lo ngại cả về tồn vong của phương Tây bởi sự bành trướng và lãng phí buông tuồng của nó, ông thấy trong truyền thống quên mình của người Nhật một nền tảng đạo đức cho xã hội mà phương Tây có thể song tranh có lợi.

Hearn truyền đạt những ý niệm này bằng nhiều tiểu luận rất khác nhau. “Thiên tính của Văn minh Nhật Bản”, “Hậu chiến”, “Đại cương về các xu hướng” và “Buổi hoàng hôn của những thần tượng” được viết từ góc độ của một du khách nước ngoài nhìn mọi thứ với đôi mắt cảm thông nhưng không phải là không có tính phê bình khi lưu trú ở Nhật. “Người thủ cựu”– được cho là dựa trên cuộc đời người bạn tốt của Hearn là Amenomori Nobushige, người được đề tặng đầu tập sách này – được trình bày như một kiểu dụ ngôn. Tuy nhiên, tính duy nhất của chủ đề thống nhất các văn bản khác loại.

Trong “Hậu chiến”, Hearn trình bày một loạt đoản văn về cách người Nhật tưởng niệm chiến thắng của họ trước người Trung Hoa trong chiến tranh Thanh-Nhật 1895. “Sự phục hưng quân sự của Đế chế – chiến thắng thực sự của Tân Nhật Bản –”, ông viết, “bắt đầu với cuộc chinh phục Trung Hoa”. Ông viết về cách mọi thứ đã chung tay nhằm vào một mục đích duy nhất, tin chắc vào sức mạnh quân sự của Nhật, và cách chiến thắng đó được tưởng niệm với những món trang sức bình dân của thị trường đại chúng cùng những hàng hóa chất lượng lâu bền, những bản khắc gỗ cầu kì, và quan trọng nhất là, những lời cảm ơn của quốc gia hướng tới những người đã chiến đấu. Song, bức tranh toàn cảnh của ông về niềm hoan hỉ tầm cỡ quốc gia được làm dịu đi với một nhận định gượng gạo rằng sự tự tin sáng suốt đã góp phần vào chiến thắng của Nhật với Trung Hoa, có thể sẽ sớm dẫn đến những xung đột quốc tế với những kết quả thảm khốc hơn nhiều.

Trong “Đại cương về các xu hướng”, tiêu điểm của ông mở rộng để bao gồm cả “sự xấu xí ngăn nắp” của những tô giới cho người nước ngoài, chứa trong chúng mọi tòa nhà và các hoạt động theo tập quán của một thị trấn phương Tây thông thường. Rồi ông tiết lộ rằng chúng giống hệt như “những thành phố nấm”, ở miền Tây nước Mĩ, trong tính chất không nền tảng của chúng. Tin chắc một cách kiêu ngạo về tính ưu việt của chính mình, những thương nhân phương Tây ban đầu xúc phạm và lảng tránh người Nhật trong khi lên lớp với sự kiêu ngạo rất mực rằng Nhật Bản ắt cần tự cứu lấy mình thông qua việc tiếp nhận các phương thức kinh doanh và thương mại của phương Tây. Rồi, Hearn viết, cán cân quyền lực đã bắt đầu chuyển biến, và ông gợi ý rằng ắt tới một ngày sự tiến hóa sẽ đảm bảo các cửa hàng của người ngoại quốc về những mặt hàng phổ biến sẽ ngưng tồn tại. Tuy nhiên, đáng lo hơn nữa, ông đã cho thấy rằng cuộc tranh giành quyền lực đã góp phần làm tăng những căng thẳng giữa người Nhật và những người Tây phương, và ông trách đa số những người phương Tây về việc đánh giá thấp người Nhật.

Trái lại, trong “Buổi hoàng hôn của những thần tượng”, sử dụng ví dụ về một thương lái đồ cổ chuyên buôn bán các “vị thần” Nhật Bản, ông chĩa cái nhìn của mình vào những người Nhật đã quay lưng lại với các vị thần thánh của quá khứ. Khi nhìn vào bộ sưu tập lớn của thương lái đồ cổ rất thực dụng kia (“Trả tôi năm mươi ngàn đô-la.”) – kẻ chỉ thấy các hình tượng Phật giáo với giá trị tiền tài ước định – ông nhận ra rằng giá cả thực sự chỉ là “giá để họ quên đi lòng mộ đạo” trong một thời đại của đổi thay.

Có lẽ cái nhìn bi quan của ông về tiến hóa được thấy rõ nhất trong “Người thủ cựu”. Truyện ngắn này trình bày một ngụ ngôn về cuộc đời của một thanh niên Nhật Bản, con trai của tầng lớp võ sĩ đạo, chỉ nhận ra những giá trị truyền thống trong chính quốc gia của mình sau nhiều năm học tập ở phương Tây và đắm mình trong đời sống bên ngoài nước Nhật. Là con trai của một võ sĩ đạo, anh đã được huấn luyện về kỉ luật và sự hiến mình, dù anh đủ tuổi thành nhân trong một thời đại đầy biến cố lớn. Theo thời gian, anh học tiếng Anh, cải đạo sang Ki-tô giáo (rồi bỏ nó). Ở mỗi bước trong hành trình của mình, anh cố gắng điều hòa di sản và quá trình huấn luyện Nhật Bản của mình với kiến thức mà anh thủ đắc dọc đường đi. Cuối cùng anh đi tới việc nhận ra rằng:

Vẻ uy nghiêm thực sự của phương Tây chỉ là duy trí; những cao điểm giá lạnh dốc đứng xa xôi của tri thức thuần túy, bên dưới lớp tuyết bất tuyệt của nó xếp lớp những lí tưởng về xúc cảm đã chết cứng… Tính ưu việt của Tây phương không phải là đạo đức. Nó nằm trong những sức mạnh về trí năng phát triển thông qua khổ đau vô kể và được những kẻ mạnh dùng để hủy diệt những kẻ yếu.

Đồng thời anh phải công nhận rằng công cuộc hiện đại hóa là cần thiết, và nếu Nhật Bản muốn sống sót cả về mặt vật chất lẫn tinh thần thì sẽ phải tập trung nỗ lực của mình vào cuộc hiện đại hóa và “việc bảo tồn mọi thứ tốt nhất trong đời sống cổ xưa”.

Những đoạn văn trong câu chuyện kể về người võ sĩ đạo hậu duệ chạm trán với “cuộc đấu tranh tàn ác” ở thành phố của nước Mĩ với sự thô bạo, đạo đức giả và hôi thối của nó, gợi nhắc đến một mô tả trước đó trong “Thiên tính của Văn minh Nhật Bản” về một thành phố có khả năng là New York. Ở đoạn văn trong “Người thủ cựu”, cựu võ sĩ đạo kia cuối cùng bị choáng vì sự xa lạ cùng cực với văn minh Tây phương:

Anh đánh giá nền văn minh như vậy chỉ có thể như một người tuyệt chẳng có một xúc cảm nào khi hòa điệu với nó… Nền văn minh đó xa cách với tâm hồn anh như đời sống ở một hành tinh khác dưới một mặt trời khác. Nhưng anh hiểu được giá trả của nó trong tương quan với tổn thương về nhân tính, cảm thấy sự uy hiếp từ sức nặng của nó, và tiên đoán được phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của sức mạnh trí năng trong nó. Và anh ghét nó – ghét những cỗ máy kì lạ, cồng kềnh và được tính toán hoàn hảo; ghét sự kiên định vị lợi; ghét những quy ước, thói tham lam, sự tàn bạo mù quáng, thói đạo đức giả kinh khủng, sự thối nát trong mong muốn và vẻ xấc láo về sự giàu có của nó. Về mặt luân lí, nó thật quái đản; về mặt thông tục, nó thô bạo. Vực thẳm của sự thoái hóa khôn lường mà nó bày ra với anh, mà chẳng hề có lí tưởng nào đáp ứng được những lí tưởng tuổi trẻ của anh. Đó hoàn toàn là một cuộc đấu tranh tàn ác; và thậm chí nếu anh có tìm thấy điều tốt lành thực thụ nào trong nó, với anh có vẻ chắc chắn là ít hơn cả phép màu.

Hãy đối chiếu điều này với một đoạn trong “Thiên tính của Văn minh Nhật Bản” ở phần trước của tuyển tập. Trong tiểu luận này, người tường thuật, áng chừng là chính Hearn, bị choáng bởi sự thô cứng của thành phố Tây phương hiện đại mà ông đối chiếu với một thành phố Nhật Bản cổ kính:

Và toàn bộ sự khuếch trương này là thô cứng, hung tợn, trì độn; đó là sự khuếch trương sức mạnh toán học áp lên các mục đích vị lợi về sự vững vàng và bền chắc. Các tổ hợp gồm những cung điện, nhà kho, cơ sở kinh doanh, những tòa nhà có thể mô tả và không thể mô tả này, chẳng đẹp đẽ gì, mà còn dữ dằn. Người ta cảm thấy thất vọng bởi cảm giác nhỏ nhoi về đời sống khổng lồ đã tạo ra họ, đời sống không có sự cảm thông; sự thị uy kì lạ về sức mạnh, sức mạnh mà không có lòng trắc ẩn. Chúng là lời phát biểu về kiến trúc của thời đại công nghiệp mới.

Sự kề cận của hai đoạn văn này cho thấy sự ghê tởm cực kì mạnh mẽ của Hearn đối với thành phố hiện đại vô hồn, nhưng đọc kĩ hơn những tiểu luận triết học của ông cho thấy rằng ông phê phán cả Tây lẫn Đông. Một mặt ông thấy thuyết duy ngã của phương Tây là vô hồn và ngông cuồng; mặt khác, ông thấy cần có nhiều tự do cá nhân hơn ở Nhật.

Là một lí thuyết gia tiến hóa thực hành, Hearn hi vọng rằng người Nhật sẽ tiếp cận nhu cầu tiếp tục hiện đại hóa cả về mặt lí trí lẫn đạo đức.

Năm 1896, khi Kokoro được xuất bản, Hearn đã ở Nhật gần sáu năm, đã kết hôn và làm cha. Ở một mức độ nào đó, sự phấn khích về cuộc sống tại Nhật đã nguôi dịu, và ước muốn lang thang vĩnh cửu của ông đã quay lại. Song, Hearn đã chọn ở lại với gia đình mình tại quốc gia ông đã chọn làm tổ quốc cho đến ngày ông qua đời. Những tiểu luận trong Kokoro nằm trong số những tác phẩm hay nhất của Hearn về Nhật Bản, vì những góc nhìn đa dạng của chúng, và còn vì sự nhận xét với nhãn quan sáng tỏ của ông về những giá trả và lợi ích trong cuộc lao mình vào tính hiện đại trong không gian của một thế hệ. Thật chẳng may khi Hearn thường bị bác bỏ như là một kẻ lãng mạn ngây thơ, dù tác phẩm của ông cung cấp nhiều dưỡng chất cho tư duy, thông qua những suy tư thấu suốt đi sâu vào một buổi giao thời.

Patricia Welch

Đại học Hofstra

Những bài viết soạn trong tập này luận giải về đời sống bên trong hơn là bên ngoài Nhật Bản, vì lí do ấy chúng được tập hợp lại dưới tựa đề là Kokoro (Tâm). Được viết với những nét như trên, chữ này cũng biểu thị cho tâm trí, theo nghĩa xúc cảm; tinh thần; dũng khí; kiên quyết; tình cảm; tấm lòng; và ý nghĩa nội tại – “tâm của hết thảy”.

Kobe, ngày 15 tháng Chín năm 1895

Mời các bạn đón đọc Kokoro – Những Ám Thị Và Âm Vang Trong Đời Sống Nội Tại Nhật Bản của tác giả Lafcadio Hearn.

Download ebook


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
ClosePlease login

Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! Những năm hai mươi thời Minh Trị, Nhật Bản đang chuyển mình thành một quốc gia công nghiệp hóa,…

Bookmark (0)
ClosePlease login

Trả lời