Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Giới thiệu ebook
Văn tế thập loại chúng sinh còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn là một bài văn tế bằng chữ Nôm soạn vào đầu thế kỷ 19. Tác phẩm được coi là một sáng tác xuất sắc của đại thi hào Nguyễn Du.
Văn tế thập loại chúng sinh, hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên Đông Dương tuần báo năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Tuy nhiên, Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết tác phẩm này trước cả Truyện Kiều, tức khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình.
Sách Từ điển văn học (bộ mới)[1] cho biết người đầu tiên phát hiện bài văn tại chùa Diệc ở thành phố Vinh là GS. Lê Thước. Nhưng cổ nhất là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại (nên được gọi là bản Chính Đại), được tàng trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Từ hai bản này, Hoàng Xuân Hãn khảo chứng, hiệu đính kỹ lưỡng và đã đưa ra một văn bản khác có độ tin cậy cao hơn…
Nhìn sâu vào thực-cảnh thế-gian, không ai là không nhận-thức được thế-gian là vô-thường ; đau khổ nhiều hơn vui sướng.
Qua sự thực-nghiệm của kiếp sống, với cõi lòng bi-cảm của con người lý-tưởng, Tổ Như Tiên-sinh đã dệt nên những vần thơ dân-tộc, nói lên nỗi niềm thương xót trong sự cầu mong và thức tỉnh.
Làm sáng tỏ những nét vi-diệu của người xưa, giúp thêm sự hiểu thấu cho người sau, ông Đàm-quang-Thiện đã đem khả-năng của mình hiệu-chú tập văn này.
Dù sáng-tạo, hiệu-chú, tùy-hỷ hay nghiên-cứu đều cảm-thông nỗi đáng thương của con người trong vòng sinh hóa, hóa sinh, so chính nghiệp-lực con người dắt-dẫn ; trao lại cho con người một món ăn tinh-thần, biết rõ nhân-quả, khơi mở tâm từ-bi, giác-ngộ, đem con người ra khỏi vòng luân-hồi và nhất là, chung góp phần xây-dựng phong-phú vào công-nghiệp văn-hóa dân-tộc.
Tôi ghi đây vài lời tán-niệm hòa vui cùng sự mong ước của hiệu-chú-giả.
Sài-thành, Quý-Thu năm Ất-Tỵ (1965)
THÍCH TÂM-CHÂU
GIẢI THÍCH NHAN ĐỀ : « CHIÊU HỒN THẬP LOẠI CHÚNG SINH »
Nhan-đề bài thơ này, có nơi là « Chiêu hồn » ; có nơi là « Văn tế thập loại chúng-sinh » ; chúng tôi ghép hai nhan-đề với nhau, để nhan-đề có đầy-đủ ý-nghĩa của mỗi nhan-đề riêng-biệt : « Chiêu-hồn Thập Loại Chúng-Sinh » bằng chữ hoa, vì danh-từ này đã thành như danh-từ riêng để trỏ toàn-thể những người « bất-đắc-kỳ-tử » mà không được ai thờ cúng.
Chiêu 招 : lấy tay vẫn mà vời lại ; hồn 魂 phần tinh-thần, vô-hình của con người ; gọi hồn về.
*
Theo quan niệm của Trung-Hoa và Việt-Nam từ xưa, thì người ta gồm có ba phần : thân, phách, hồn.
Thân 身 hay thân-thể 身體 là phần vật-chất, hữu-hình, bằng thịt, xương, não, huyết, v.v… ; khi người ta chết, thì phần này thối-nát ra mà trở về với đất-cát.
Phách 魄 tiếng nôm là vía, là phần vô-hình, do thân-thể biểu-hiện ra, nên khi thân-thể chết, thì phách cũng không còn nữa. Theo Đạo-gia, thì người ta có bảy phách, là Thi-cầu, Phục-thi, Tước-âm, Thôn tặc, Phi-độc, Trừ-uế và Xú-phế ; bảy phách còn được gọi là bảy trọc-quỷ, tức là thứ hồn đục, hạ cấp khác với linh-hồn, trong và cao hơn.
Hồn 靈 hay linh-hồn 靈魂 là phần tinh-thần, vô-hình, chỉ nhập vào thân-thể mà thôi, chứ không phải là biểu-hiện của thân-thể, nên khi thân-thể chết đi, thì linh-hồn lại xuất ra, mà tiếp-tục tồn-tại trong thế-giới vô-hình.
Theo sách « Vân cấp thất thiêm », thì người ta có ba hồn, là Thai-quang, tức khí dương-hòa cực trong, Sảng-linh, tức âm-khí biến, và U-tinh, tức âm-khí tạp,
Theo một thuyết của Phật-giáo, thì Thực-vật chỉ có Sinh-hồn, Động-vật có Sinh-hồn và Giác-hồn, Người ta có Sinh-hồn, Giác-hồn và Linh-hồn.
Vẫn theo quan-niệm cổ-truyền của Tàu và Ta, thì đàn-bà vật-chất hơn đàn-ông, vì có thêm hai phách, vía, hay trọc-quỷ nữa, là biểu-hiện của cơ-quan thụ-thai và kinh-nguyệt. Do đó, mà người ta nói « ba hồn bảy vía » nếu là đàn-ông ; và « ba hồn chín vía », nếu là đàn-bà.
Dựa vào Khoa-học Tây-phương, ta có thể cho thân-thể là các cơ-quan : mắt, tai, mũi, lưỡi, da, não, thần-kinh ; phách hay vía là chức-vụ của các cơ-quan ấy : thị-giác, thính-giác, tị-giác, vị-giác, xúc-giác, tri-giác, tri-thức, nói tóm lại là cảm-tri-thức. Còn linh-hồn là tinh-thần bất-diệt.
Cũng có người cho rằng phách tương-ứng với các cửa của thân-thể mở ra ngoại-giới, khiến nội-thân thông được với ngoại-giới. Đàn ông có bảy phách tương-ứng với hai lỗ tai, hai lỗ mũi, lỗ miệng, lỗ đại-tiện, lỗ tiểu-tiện. Đàn bà có thêm hai phách nữa để tương ứng với âm-đạo và tử-cung đạo.
*
Theo một tín-ngưỡng của Tàu và Ta xưa, bắt nguồn Phật-giáo, thì : « Thách là thể-phách, còn là tinh-anh ». (Kiều, 116)
khi người ta chết, thì chỉ có thân chết và phách mất thật mà thôi, còn linh-hồn vẫn sống ; nếu là người tốt, đạo-đức, thì linh-hồn lại được đầu-thai, thành người khác, với một cuộc đời hạnh-phúc hơn ; nếu là người xấu, độc-ác, thì linh-hồn có thể cũng được đầu thai, thành người khác, với một cuộc đời khổ-sở hơn ; nếu là người xấu quá, thì linh-hồn phải đầu-thai làm súc-vật, như trâu, ngựa, chẳng hạn. Ấy là nói những người được chết ở nhà, có con-cháu thờ cúng. Còn những người chết « bất-đắc-kỳ-tử », chết đuối dưới bể, dưới sông, chết bệnh nơi rừng thiêng nước độc, chết không ai chôn-cất, không ai thờ-cúng, thì linh-hồn thành ma-quỷ, ma đói quỷ khát, chẳng bao giờ được đầu-thai lên làm người hoặc làm súc-vật cả. Những linh-hồn ấy, đại-đa-số phải sống dưới địa-ngục, như người trần-thế phải sống trong đề-lao vậy ; chỉ trừ một thiểu-số làm ma đói quỷ khát, cũng luẩn-quẩn gần nơi đã thác, phải rình cướp miếng ăn ở những nơi có thờ cúng, như bọn hành-khất, bọn đầu trộm đuôi cướp, sống trên trần-thế vậy.
May thay, một năm có một ngày, tất cả những linh-hồn ấy được thả ra khỏi các ngục, linh-hồn thoát ngục, cũng như ma quỷ đói khát, được tự do đi lại : đó là ngày 15 tháng 7 âm-lịch, ngày « vong nhân xá tội » : dưới âm-phủ, tội những kẻ ấy được quên đi, được tạm tha, để họ được hoàn-toàn tự-do một ngày một đêm. Người trần-thế mới, nhân ngày ấy, lập đàn, rước sư, rước thầy, làm lễ giải oan cứu khổ cho họ, tụng kinh cầu Phật phù-hộ cho họ thoát khỏi vĩnh-viễn cảnh khổ, hoặc được hóa-sinh, đầu-thai lên làm người hoặc sinh-vật, hoặc được lên sống nơi Cực-lạc.
Lễ ấy thường được gọi là lễ Trung-nguyên, hoặc Vong nhân xá tội, đạo Phật gọi là lễ Vu-lan-bồn, phiên-âm tiếng Phạn ullambhana, nghĩa là giải-thoát.
– Thập 十 : mười đơn-vị ; mười loài trong kiếp luân-hồi, gồm đủ cả : người, cầm, thú, côn-trùng, v.v…
– Loại 類 : giống ; tất cả các sinh-vật, có sống có chết, từ hoa cỏ, qua súc-vật đến người ta.
– Chúng 眾 : tất cả.
– Sinh 生 : sống ; tất cả các sinh-vật, như vừa nói ở trên.
Tuy-nhiên, trong bài này, tác-giả giới-hạn trong chúng-sinh của nhân-loại mà thôi.
*
BÀI CHIÊU HỒN THẬP LOẠI CHÚNG SINHnày gồm ba phần rõ-rệt :
Phần I : Từ dương-thế đến âm-phủ, gồm 3 đoạn :
– (1-8) Cảnh đầu thu trên dương-thế ;
– (9-16) Cảnh cô-hồn dưới âm-phủ ;
– (17-20) Kêu gọi Thập Loại Chúng-Sinh lại dự đàn giải-thoát.
Phần II : Chiều hồn Thập Loại Chúng-Sinh gồm 16 đoạn :
– (21-32) Những kẻ « tính đường kiêu hãnh »
– (33-44) Những kẻ « màn lan trướng huệ »
– (45-56) Những kẻ « lân-đài phụng-các »
– (57-68) Những kẻ « bài binh bố trận »
– (69-80) Những kẻ « tính đường trí-phú »
– (81-92) Những kẻ « rắp cầu chữ Quý »
– (93-96) Những kẻ « vào sông ra bể »
– (97-100) Những kẻ « đi về buôn bán »
– (101-108) Những kẻ « mắc vào khóa lính »
– (109-116) những kẻ « buôn nguyệt bán hoa »
– (117-120) Những kẻ « hành-khất ngược xuôi »
– (121-124) Những kẻ « mắc đoàn tù rạc »
– (125-128) Những kẻ « hữu sinh vô dưỡng »
– (129-136) Những kẻ « bất đắc kỳ tử » bằng nhiều cách khác nhau.
– (137-148) « Cô-hồn lạc-lõng ở khắp mọi nơi »
– (149-156) Gọi các cô-hồn đang sống một cách rất thảm-thương « lại mà nghe kinh ».
Phần III : Khuyên các cô-hồn nên nhờ Phật giải-oan cứu-khổ cho, gồm 2 đoạn :
– (157-168) Phép phật mầu-nhiệm ; các cô-hồn hãy lại đàn giải-thoát mà nghe kinh.
– (169-184) Kêu gọi các cô-hồn hãy tin-tưởng vào phép Phật mầu-nhiệm sẽ giải-thoát cho họ.
*
Tác-giả đệ-nhất danh-thư « Đoạn-Trường Tân-Thanh » của chúng ta, đã trước-tác bài « Chiêu-hồn Thập Loại Chúng-Sinh » này vào năm nào, và nhân dịp nào ? Không có văn-liệu nào soi sáng cho chúng ta điểm này.
Nhà văn TRẦN THANH-MẠI, trong một bài diễn-thuyết về bài « Chiêu hồn » này, đã đăng trong « Đông-Dương Tuần-báo », năm 1939, cho rằng Nguyễn Du đã trước-tác bài này sau một mùa dịch khủng-khiếp, làm hàng triệu người chết, khiến khắp non-sông đất nước âm-khí nặng-nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải-thoát, để cầu siêu cho hàng triệu cô-hồn.
Nhà học-giả PHAN VĂN-HÙM đã viết bài thảo-luận về vấn-đề này với nhà văn họ Trần, cũng đăng trên « Đông-Dương Tuần-báo ». Học-giả họ Phan cho rằng Nguyễn Du đã viết bài này vì ông thành-tâm tín-ngưỡng Phật-giáo, phái Tiểu-thừa.
Giáo-sư PHẠM VĂN-DIÊU, trong một nghiên-cứu công-phu về bài « Chiêu hồn » này, đăng trong « Văn-hóa nguyệt-san », các số 54, 55, 56, cho rằng bài « Chiêu hồn » này phải là bức gương phản-chiếu tất cả kinh-nghiệm bản-thân của tác-giả, suốt thời kỳ Lê-mạt, Nguyễn-sơ, là thời kỳ loạn-ly, trong ấy đã diễn ra thật-sự trong xã-hội ta, tất cả những cảnh thê-thảm mà tác-giả đã cực-tả trong áng văn bất-hủ.
Chúng tôi là người, từ lúc bắt đầu hiểu-biết, đã phải mục-kích hằng ngày cái nhục của kẻ sống đời nô-lệ, vì tổ-quốc đã bị ngoại-nhân thôn-tính và thống-trị ; đã kinh-nghiệm gián-tiếp đến bản-thân hai cuộc thế-chiến vĩ-đại 1914-18 và 1939-45 ; đã kinh-nghiệm trực-tiếp đến bản-thân một cuộc nội-chiến kéo dài gần một phần tư thế-kỷ này rồi, và hiện nay vẫn còn đang tiếp-diễn ; đã mục-kích trước mắt công-việc của Tử-thần và các Quan Ôn, qua mấy mùa dịch-tả và dịch-hạch ; đã chính mắt chụp hình, từ bình-minh đến hoàng-hôn, những thảm-cảnh và bi-kịch liên-tiếp xảy ra chung-quang mình, trong mùa đói rùng-rợn năm 1945, làm 2 triệu người Việt-Nam, đã chết-đói, và quốc-gia Việt-Nam, tuy không dự vào Thế-Chiến II, mà cũng đứng vào hàng đầu các quốc-gia đã phải hy-sinh xương máu dân-tộc nhiều nhất cho mộng bá-chủ hoàn-cầu của những kẻ tham-tàn, độc-ác, dã-man hơn cả ác-thú trong rừng-già, nhưng « lực lại bất tòng tâm » ; đã mục-kích cái kiêu-hãnh của những kẻ đã cất gánh non sông, khiến đất nước phải phân-qua, hàng triệu người phải lìa cửa lìa nhà, những kẻ vì cho mình là Quản, Nhạc, Y, Chu mà làm cho đã từ 20 năm rồi, dân-tộc phải máu tươi lai-láng, xương khô rụng-rời, mà hiện nay, vẫn chưa biết sẽ đi về đâu ; đã nhìn thấy tận mắt, khi thay đổi sơn-hà, biết bao « ngọc-diệp kim chi » đã phải thất-thân với « giống hôi-tanh » (Kiều, 853) ; đã sống hằng ngày với những người dãi thây trăm họ làm công một người ; đã giao-du với bao kẻ tính đường trí-phú, nhịn ngủ quên ăn để xây được lầu cao cửa rộng, gửi được bạc triệu trong nhà băng, nhưng bây giờ thì thịt nát xương tan dưới mồ cỏ ấy, trong khi ấy, trên trần-thế « ruộng người cấy, ngựa người nuôi, con người mắng-mỏ, vợ người yêu-đương » (Trang-Tử Cổ-Bồn) ; vâng, chúng tôi cũng đã kinh-nghiệm trực-tiếp, vào chính bản-thân tất-cả « những điều trông thấy mà đau-đớn lòng » (Kiều, 4) mà Nguyễn Du đã cực-tả trong bài « Chiêu-hồn » này, nên chúng tôi tin rằng quan-niệm của giáo-sư PHẠM VĂN-DIÊU rất đúng ; nhưng, kinh-nghiệm sống của Nguyễn Du về thời loạn-ly, cũng có thể đã được tác-giả lợi-dụng để làm sáng tỏ thêm tín-ngưỡng tôn-giáo của ông, đúng như học-giả PHAN VĂN-HÙM đã quan-niệm ; và cũng có thể, đúng như nhà văn TRẦN THANH-MẠI đã quan-niệm, nhân một mùa dịch kinh-khủng khiến non nửa dân-số đã bị Quan Ôn « bắt lính » ; khắp nước, tiếng chuông chùa làm lễ cầu-siêu ngân dài như tiếng vọng của âm-ty, mà tác-giả, hằng ngày được đi dự các lễ cầu-siêu ấy, không được nghe một bài « Chiêu-hồn » nào khả-dĩ cảm-động được lòng người, mới viết ra áng văn tuyệt tác này để người ta đọc tại các chùa khi làm lễ cầu-siêu cho thập loại chúng-sinh. Nhờ thế, mà, như chính giáo-sư Phạm Văn-Diêu đã nhận định : « nhờ ở sự thông-dụng ấy mà văn truyền-tụng sâu rộng. Bởi vậy, thời gian qua đã xếp dành cho Chiêu-hồn-ca một chỗ ngồi xứng-đáng, chắc-chắn, và rõ-rệt ».
Và, chúng tôi cũng nghĩ như giáo-sư PHẠM VĂN-DIÊU : « Thời-gian đã công-bình ».
Bài Chiêu hồn Thập Loại Chúng-Sinh này, cũng như Đoạn-Trường Tân-Thanh của Nguyễn Du, đã bị « tam sao thất bản » ở rất nhiều chỗ.
Chúng tôi đã nghiên-cứu thật kỹ bút pháp của Nguyễn Du, và dựa vào những bút-pháp đặc-biệt của tác-giả, mà hiệu-chỉnh. Đây là một vấn-đề phải trình-bày rất dài, nên chúng tôi không thể đề cập đến ở đây được. Chúng tôi sẽ đề-cập đến trong nghiên-cứu của chúng tôi về « Bút-pháp Nguyễn Du trong Đoạn-Trường Tân-Thanh », sẽ xuất-bản trong Nam Chi Tùng-Thư, thành nhiều quyển.
Mời các bạn đón đọc Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh của tác giả Nguyễn Du.
Download ebook
FULL:
Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! Văn tế thập loại chúng sinh còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn là một bài văn tế bằng chữ Nôm soạn vào…