Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Giới thiệu ebook
PHẦN THỨ NHẤT : VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC
Những hành động thù địch công khai của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh xâm lược của họ ngày 17 tháng 2 năm 1979, đã làm cho dư luận thế giới ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Sự thay đổi đó không phải là điều bất ngờ, mà là sự phát triển lô-gích của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của những người lãnh đạo Trung Quốc trong 30 năm qua.
Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào mang danh là « cách mạng », là « xã hội chủ nghĩa » và dùng những lời lẽ « rất cách mạng » để thực hiện một chiến lược phản cách mạng, cực kỳ phản động như những người lãnh đạo Trung Quốc.
Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc.
Từ chỗ coi Liên Xô là đồng minh lớn nhất, họ đi đến chỗ coi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất.
Từ chỗ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất mà bản chất không bao giờ thay đổi, họ đi đến chỗ coi đế quốc Mỹ là đồng minh tin cậy, câu kết với đế quốc Mỹ và trắng trợn tuyên bố Trung Quốc là NATO 1 ở phương đông.
Từ chỗ coi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tinh là « bão táp cách mạng » trực tiếp đánh vào chủ nghĩa đế quốc và cho rằng rốt cuộc sự nghiệp cách mạng của toàn bộ giai cấp vô sản quốc tế sẽ tùy thuộc vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ở khu vực này 2, họ đi đến chỗ cùng với đế quốc chống lại và phá hoại phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ những lực lượng phản động, như tên độc tài Pi-nô-chê ở Chi-lê, các tổ chức FNLA và UNITA do Cục tinh báo trung ương Mỹ (CIA) giật dây ở An-gô-la, vua Pa-lê-vi ở I-ran, nuôi dưỡng bè lũ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xa-ry, v.v… Họ ngang nhiên xuyên tạc nguyên nhân và tính chất của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới hiện nay, coi các cuộc đấu tranh này là sản phẩm của sự tranh giành bá quyền giữa các nước lớn, chứ không phải là sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước.
Cùng với việc lật ngược chính sách liên minh của họ trên thế giới là những cuộc thanh trừng tàn bạo và đẫm máu ở trong nước, đàn áp những người chống đối, làm đảo lộn nhiều lần vai trò của những người trong giới cầm quyền. Có người hôm nay được coi là nhà lãnh đạo cách mạng chân chính, ngày mai trở thành kẻ thù, kẻ phản bội của cách mạng Trung Quốc ; có người trong vòng mấy năm lần lượt bị lật đổ và được phục hồi đến hai ba lần.
Chiến lược của những người lãnh đạo Trung Quốc có những thay đổi rất lớn. Nhưng có một điều không thay đổi : đó là mục tiêu chiến lược muốn nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác.
Tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1956. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói :
« Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghiệp… Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới ! »
Sau đó, tháng 9 năm 1959, tại Hội nghị của Quân ủy trung ương, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói :
« Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta ».
Ngay từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tháng 10 năm 1949, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã bắt tay đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu chiến lược của họ. Mặc dầu nền kinh tế của Trung Quốc còn lạc hậu, từ cuối những năm 1950 họ đã ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược, và hiện nay đang đẩy mạnh việc thực hiện « hiện đại hóa » về quân sự, về sản xuất và tích trữ vũ khí hạt nhân. Trong lĩnh vực kinh tế, điều giống nhau giữa « đại nhảy vọt » năm 1958 và « bốn hiện đại hóa » mới nêu ra vài ba năm nay là cả hai kế hoạch đó đều nhằm mục tiêu chiến lược bành trướng và bá quyền của những người lãnh đạo Trung Quốc.
I. VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU CỦA TRUNG QUỐC
Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ.
Bước vào những năm 1950, khi bắt đầu công cuộc xây dựng lại hòng đưa nước Trung Hoa nhanh chóng trở thành cường quốc trên thế giới, những người lãnh đạo Trung Quốc phải đối phó với cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Triều Tiên ở phía bắc và mối nguy cơ đe dọa an ninh của Trung Quốc ở phía nam do cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam gây ra. Đồng thời đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ và tên sen đầm quốc tế, thi hành một chính sách thù địch đối với Trung Quốc và đang ra sức tiến hành kế hoạch bao vây, cô lập Trung Quốc.
Cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia chống thực dân Pháp đã đưa đến Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương. Pháp lo sợ thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Trung Quốc là một nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam vào cuối cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đó để đứng ra làm người thương lượng chủ yếu với đế quốc Pháp, câu kết với chúng và cùng nhau thỏa hiệp về một giải pháp có lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước ở Đông Dương để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ở phía nam, để thực hiện mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời để có vai trò là một nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 mà phần đầu dành cho vấn đề Triều Tiên, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên xuất hiện ngang hàng với bốn cường quốc ủy viên thường trực của Hội đồng bào an Liên hợp quốc. Đó là một cơ hội tốt cho những người lãnh đạo Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á và châu Phi. Đồng thời, họ tìm cách bắt tay với đế quốc Mỹ qua các cuộc thương lượng trực tiếp bắt đầu ở Giơ-ne-vơ, về sau chuyển sang Vác-xa-va.
Từ sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Việt Nam, nhằm biến miền nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới và một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông-nam châu Á. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh muốn duy trì lâu dài tình trạng Việt Nam bị chia cắt. Nhưng nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống Mỹ, cứu nước và ngày càng giành được nhiều thắng lợi.
Cuối những năm 1960, đế quốc Mỹ bị sa lầy trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, một cuộc chiến tranh đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị và xã hội của nước Mỹ, đồng thời làm suy yếu thêm vị trí của đế quốc Mỹ trên thế giới. Tình hình đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ và tạo cho các nước Tây Âu, Nhật Bản có cơ hội ngoi lên thành những lực lượng cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ. Trước tình thế ngày càng tuyệt vọng, tổng thống Ních-xơn đã đề ra kế hoạch « Việt Nam hóa » chiến tranh, và theo kinh nghiệm của đế quốc Pháp năm 1954, dùng Trung Quốc hòng giải quyết vấn đề Việt Nam với những điều kiện có lợi cho đế quốc Mỹ : rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam mà vẫn giữ được chế độ bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu ở miền nam Việt Nam. Đồng thời, chính quyền Ních-xơn chơi con bài Trung Quốc để gây sức ép đối với Liên Xô, chống phong trào cách mạng thế giới.
Lợi dụng sự suy yếu của đế quốc Mỹ và chiều hướng chính sách của chính quyền Ních-xơn, những người lãnh đạo Trung Quốc tăng cường chống Liên Xô và thỏa hiệp với Mỹ, giúp Mỹ giải quyết vấn đề Việt Nam, để cố tạo nên thế ba nước lớn trên thế giới theo công thức của Kít-xinh-giơ về « thế giới nhiều cực », trong đó một trong « ba cực » lớn là Trung Quốc, xóa bỏ « thế hai cực » Mỹ và Liên xô đã hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời dùng vấn đề Việt Nam để đổi lấy việc Mỹ rút khỏi Đài Loan. Do đó, họ lật ngược chính sách liên minh, bắt đầu từ việc coi Liên Xô là kẻ thù chủ yếu, gây ra xung đột biên giới với Liên Xô tháng 3 năm 1969, đến việc phản bội Việt Nam lần thứ hai, buôn bán với Mỹ để ngăn cản thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam. Trong năm 1971, họ lần lượt tiến hành chính sách « ngoại giao bóng bàn », đón tiếp Kít-xinh-giơ ở Bắc Kinh. Tiếp đó là việc khôi phục địa vị của Trung Quốc ở Liên hợp quốc và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trở thành một trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an. Đỉnh cao là việc Trung Quốc tiếp tổng thống Mỹ Ních-xơn và hai bên ra thông cáo Thượng Hải tháng 2 năm 1972. Đối với những người cầm quyền Bắc Kinh, sự câu kết với đế quốc Mỹ là một bước có ý nghĩa quyết định đối với việc triển khai chiến lược toàn cầu của họ.
Cũng như sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, những người lãnh đạo Trung Quốc sau Hiệp định Pa-ri tháng 1 năm 1973 về Việt Nam muốn duy trì nguyên trạng ở miền nam Việt Nam. Vì vậy, thắng lợi của nhân dân Việt Nam năm 1975 đánh sụp hoàn toàn chính quyền tay sai của Mỹ, giải phóng miền nam và thống nhất nước nhà không chỉ là một thất bại lớn của đế quốc Mỹ mà còn là một thất bại lớn của những người cầm quyền ở Bắc Kinh trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu và mưu đồ bành trướng, bá quyền của họ. Từ đó, họ công khai thi hành chính sách thù địch chống Việt Nam, kể cả bằng biện pháp quân sự.
Như vậy, trong 30 năm qua Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Vì Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong chiến lược của Pháp giữa những năm 1950 cũng như trong chiến lược của Mỹ đầu những năm 1970, những người lãnh đạo Trung Quốc đã dùng « con bài » Việt Nam để câu kết với bọn đế quốc, phục vụ cho ý đồ chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ. Đồng thời, họ mưu toan một mình nắm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, một vấn đề trung tâm của đời sống chính trị quốc tế lúc bấy giờ, để giương cao chiêu bài « chống chủ nghĩa đế quốc » hòng nắm quyền « lãnh đạo cách mạng thế giới », dìm ảnh hưởng của Liên Xô.
II. VIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH ĐÔNG-NAM Á CỦA TRUNG QUỐC
Đông-nam châu Á là hướng bành trướng cổ truyền trong lịch sử Trung Quốc, là khu vực mà từ lâu những người lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ước mơ thôn tính.
Trong năm 1936, Chủ tịch Mao Trạch Đông kể chuyện với nhà báo Mỹ Ét-ga Xnâu ở Diên An về thời trẻ của mình, đã bộc lộ ý nghĩ sau khi đọc một cuốn sách nhỏ nói đến việc Nhật chiếm Triều Tiên và Đài Loan, việc mất « chủ quyền » Trung Hoa ở Đông Dương, Miến Điện và nhiều nơi khác :
« Đọc xong, tôi lấy làm thất vọng đối với tương lai đất nước tôi, và tôi bắt đầu nhận thức rằng bổn phận của mọi nguời là phải đóng góp cứu nước ». 3
Tài liệu của Đảng cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Mao Trạch Đông viết mang tên Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc, xuất bản năm 1939, có viết :
« Các nước đế quốc, sau khi đánh bại Trung Quốc, đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc : Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Bu-tan, Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam… »
Cuốn sách Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại xuất bản ở Bắc Kinh năm 1954 có bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả nhiều nước chung quanh, kể cả ở Đông-nam châu Á và vùng biển Đông.
Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963 :
« Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông-nam châu Á ».
Cũng trong dịp này, Chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc về diện tích thì tương đương, nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở ; đối với nước Lào đất rộng, người thưa, Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở.
Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965 :
« Chúng ta phải giành cho được Đông-nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến-Điện, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po… Một vùng như Đông-nam châu Á rất giàu, ở đây có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông-nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây ».
So với các khu vực khác trên thế giới, Đông-nam châu Á là khu vực mà Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, có nhiều phương tiện và khả năng nhất (hơn 20 triệu Hoa kiều, các chính đảng lệ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc, Đông-nam châu Á có đường đất liền với Trung Quốc…) để thực hiện chính sách bành trướng và bá quyền nước lớn của mình. Cho nên trong 30 năm qua, những người lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện chính sách bành trướng ở khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thưc hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng của họ.
Họ xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược, phát triển lực lượng kinh tế, ỷ thế nước lớn, đe dọa bằng quân sự và hứa hẹn viện trợ về kinh tế để mua chuộc, lôi kéo hoặc gây sức ép với các nước ở khu vực này, hòng làm cho các nước đó phải đi vào quỹ đạo của họ. Họ xâm phạm lãnh thổ các nước và gây ra xung đột biên giới, dùng lực lượng tay sai hoặc trực tiếp đem quân xâm lược, hòng làm suy yếu để dễ bề khuất phục, thôn tính nước này, nước khác trong khu vực. Họ không từ bất kỳ một hành động tàn bạo nào, như họ đã dùng tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xa-ry thực hiện chính sách diệt chủng ở Cam-pu-chia. Họ dùng nhiều công cụ ở các nước Đông-nam châu Á : lực lượng Hoa kiều làm « đạo quân thứ năm », các tổ chức gọi là « cộng sản » theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, các dân tộc thiểu số ở các nước thuộc khu vực này có ít nhiều nguồn gốc dân tộc ở Trung Quốc, để phục vụ cho chính sách bành trướng và bá quyền của họ.
Về việc sử dụng lực lượng Hoa kiều, ý đồ của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ nhất trong ý kiến của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trần Nghị :
« Xin-ga-po có trên 90% là người Trung Quốc, trong số dân hơn một triệu người thì hơn chín mươi vạn là người Trung Quốc. Cho nên Xin-ga-po hoàn toàn trở thành một quốc gia do người Trung Quốc ở đó tổ chức ». 4
Những người lãnh đạo Trung Quốc lợi dụng mâu thuẫn giữa các dân tộc ở Đông-nam châu Á, chia rẽ các nước thuộc tổ chức ASEAN 5 với ba nước trên bán đảo Đông Dương, chia rẽ các nước với nhau, như đã chia rẽ Ma-lai-xi-a với In-đô-nê-xi-a, Miến Điện với Thái Lan, v.v… Đặc biệt họ lợi dụng tình hình ở Đông-nam châu Á là một trong những khu vực sục sôi cách mạng trên thế giới, phong trào độc lập dân tộc ngày càng phát triển và chủ nghĩa thực dân, đế quốc ngày càng suy yếu, để thực hiện ý đồ bành trướng của họ. Khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam năm 1954, họ muốn duy trì ở miền nam Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia sự có mặt của Pháp là một tên đế quốc đã suy yếu, để ngăn cản Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, thâm nhập vào Đông Dương và hạn chế thắng lợi hoàn toàn của cách mạng ba nước ở Đông Dương. Khi Mỹ suy yếu và thất bại ở vùng này, họ muốn duy trì sự có mặt của Mỹ để cùng với Mỹ thống trị các nước trong khu vực. Làm như vậy, họ hy vọng dựa vào chủ nghĩa đế quốc ngăn chặn sự phát triển của cách mạng để từng bước lập cái gọi là lổ hổng ở Đông-nam châu Á, tiến đến gạt dần các Đông minh đế quốc để độc chiếm khu vực này. Họ tung ra luận điệu lừa bịp là ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô để che giấu âm mưu đen tối của họ.
Việt Nam có một vị trí chiến lược ở Đông-nam châu Á. Trong lịch sử, bọn bành trướng phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược hòng thôn tính Việt Nam, dùng Việt Nam làm bàn đạp để xâm lược các nước khác ở Đông-nam châu Á. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, trong các đảng cộng sản ở khu vực này chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam giành được chính quyền và thành lập Nhà nước công nông đầu tiên trong khu vực. Cách mạng Việt Nam có ảnh hưởng to lớn do đánh thẳng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những người lãnh đạo Trung Quốc âm mưu nắm Việt Nam để nắm toàn bộ bán đảo Đông Dương, mở đường đi xuống Đông-nam châu Á. Trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn Đảng cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói :
« Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra cho nên rất mong Đảng lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông-nam châu Á ».
Để làm suy yếu và nắm lấy Việt Nam, họ ra sức phá sự đoàn kết giữa ba nước ở bán đảo Đông Dương, chia rẽ ba nước với nhau, đặc biệt là chia rẽ Lào và Cam-pu-chia với Việt Nam. Đồng thời, họ cố lôi kéo các nước khác ở Đông-nam châu Á đối lập với Việt Nam, vu khống, bôi xấu, hòng cô lập Việt Nam với các nước trên thế giới.
Những người cầm quyền Bắc Kinh rêu rao cái gọi là « chủ quyền » của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu năm 1974, với sự đồng tình của Mỹ, họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, đi từng bước kiểm soát biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông-nam châu Á, đồng thời khai thác tài nguyên phong phú ờ vùng biển Đông.
Những người lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tập hợp lực lượng ở Đông-nam châu Á để tiến đến tập hợp lực lượng trên thế giới hòng thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Những năm 1960, họ ra sức tập hợp lực lượng ở các khu vực Á, Phi, Mỹ la-tinh để nắm quyền « lãnh đạo cách mạng thế giới » và chống Liên Xô. Để đạt mục tiêu đó, từ năm 1963 họ ráo riết vận động họp 11 đảng cộng sản, trong đó có 8 đảng ở Đông-nam châu Á hòng lập ra một thứ « Quốc tế cộng sản » mới do họ khống chế, xây dựng cái gọi là « Trục Bắc Kinh – Gia-các-ta – Phnôm Penh – Bình Nhưỡng – Hà Nội », thông qua In-đô-nê-xi-a vận động triệu tập « Hội nghị các lực lượng mới trỗi dậy » (CONEFO) để thành lập một tổ chức quốc tế đối lập với Liên hợp quốc ; đồng thời vận động tổ chức Hội nghị Á – Phi lần thứ hai (dự định họp ở An-giê năm 1965). Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc đã không thành công trong các kế hoạch đen tối này. Đó là vì họ đi ngược lại lợi ích của nhân dân thế giới là đoàn kết các lực lượng chống đế quốc, đi ngược lại lợi ích của cách mạng thế giới là tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào độc lập dân tộc, dân chủ, vì họ vấp phải đường lối độc lập, tự chủ trước sau như một của Việt Nam.
*
Trong 30 năm qua, những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập, tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông-nam châu Á. Đó là nguyên nhân vì sao trước đây họ vừa giúp, vừa kiềm chế cách mạng Việt Nam, mỗi khi Việt Nam đánh thắng đế quốc thì họ lại buôn bán, thỏa hiệp với đế quốc trên lưng nhân dân Việt Nam ; vì sao từ chỗ giấu mặt chống Việt Nam họ đã chuyển sang công khai thù địch với Việt Nam và đi tới trắng trợn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam nằm trong chính sách chung của họ đối với các nước Đông-nam châu Á cùng như đối với các nước láng giềng khác. Họ muốn chiếm đất đai của Ấn Độ và thực tế đã chiếm một bộ phận đất đai của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962 ; họ không muốn có một nước Ấn Độ mạnh mà họ cho rằng có thể tranh giành với họ « vai trò lãnh đạo » các nước Á – Phi. Họ vẫn mưu toan chiếm Mông cổ, mặc dầu họ đã công nhận nước Cộng hòa nhân dân Mông cổ là một quốc gia độc lập. Họ muốn chiếm một phần đất đai của Liên Xô, rất không muốn có ở bên cạnh Trung Quốc một nước Liên Xô hùng mạnh, nên họ tìm mọi cách hạ uy thế của Liên Xô, đẩy các nước đế quốc gây chiến tranh với Liên Xô, đẩy các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh chống Liên Xô. Họ tập trung mọi cố gắng để dấy lên một cuộc « thập tự chinh quốc tế » của các lực lượng đế quốc và phản động chống Liên Xô dưới chiêu bài « chống bá quyền », theo công thức của Chủ tịch Mao Trạch Đông « Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau ». Như nhiều nhà chính trị và báo chí Tây Âu nhận định, Trung Quốc quyết tâm « đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng » cũng như Trung Quốc trước đây đã quyết tâm « đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng ».
Chiến lược quốc tế ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc, mặc dầu núp dưới chiêu bài nào, đã phơi trần tính chất cực kỳ phản cách mạng của nó và những người lãnh đạo Trung Quốc đã hiện nguyên hình là những người theo chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, những người dân tộc chủ nghĩa tư sản.
Chính sách ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mặc dầu được ngụy trang khéo léo như thế nào, vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế « thiên triều » trong mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính Việt Nam, khuất phục nhân dân Việt Nam, biến Việt Nam thành một chư hầu của Trung Quốc.
Mời các bạn đón đọc Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc Trong 30 Năm Qua của tác giả NXB Sự Thật.
Download ebook
FULL:
Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! PHẦN THỨ NHẤT : VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC Những hành động thù địch công khai của…