Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app

Giới thiệu ebook

Stephanie có sắc đẹp cổ điển, nhưng hơn thế, nàng có một trái tim đam mê. Ham thích mạo hiểm, nàng dám lao đầu vào những cuộc tình cuồng nhiệt và cũng sẵn sàng chịu trả giá cho những mối tình của mình.

Một tính cách như vậy lại ra đời trong thời đại bão táp của nước Pháp nửa cuối thế kỷ XIX với những cuộc tranh giành quyền lực trong nước, chiến tranh ở ngoài nước, những cuộc xâm lược thuộc địa và sự phát triển nhanh chóng của các công ty liên quốc gia, ắt cuộc đời nàng phải bảy nổi ba chìm với … yêu đương.

Số phận éo le đã đẩy Stéphanie lưu lạc khắp năm châu và rơi vào đủ những mối tình hết sức khác nhau:

– Nhà kinh doanh trẻ tuổi Armand Dytteville có tài sản lớn ở Nam Thái Bình Dương.

– Chàng sĩ quan điển trai, tùy tùng của hoàng đế Napoléon III.

– Chàng quý tộc Nga hào hoa Boris tại kinh thành Saint Petersburg.

– Một thanh niên bản xứ tại miền đất hoang vu, Yann Kendelec.

– Và … văn hào Victor Hugo, cây bút vĩ đại đồng thời cũng nổi tiếng là thuộc số những đàn ông có nhu cầu tình ái mãnh liệt nhất trong lịch sử thế giới …

STEPHANIE lấy nhân vật cùng tên làm trung tâm, được viết thành 4 cuốn với tên gọi như sau:

  • 1. Bốn mùa yêu.
  • 2. Vì em yêu anh.
  • 3. Cái giá của tự do.
  • 4. Ngọn lửa tình.

Tuy là bốn cuốn cùng viết về một nhân vật, song cũng như bộ tiểu thuyết Angelic đã quen thuộc với bạn đọc, mỗi cuốn đều là những câu chuyện hoàn chỉnh, độc lập với nhau, không nhất thiết phải đọc toàn bộ tác phẩm hoặc đọc theo trình tự nhất định mới thấu hiểu được nó.

Tất nhiên, hy vọng rằng bạn đọc sẽ gắn bó và say mê với số phận của Stéphanie để không bỏ sót một cuốn, một tập nào, như đọc giả phương Tây đã hết sức hoan nghênh STÉPHANIE khiến bộ sách được tái bản liên tục trong vòng 10 năm nay kể từ khi nó ra đời.

***

Vậy là Stephanie đã trở về nhà bếp của trường quân chính, nơi ngày nào nàng đã rời đây để cùng với Pompette lên đường ra trận, cốt đuổi theo René. Bây giờ nàn cũng sắp phải rời bỏ nơi này để trở thành phu nhân Dytteville, trở về thành phố Paris với các con, với gia đình của nàng, lấy lại vị trí của nàng trong gia đình cũng như trong xã hội thượng lưu và trong công việc kinh doanh.

Nghĩ tới việc lại phải tiếp xúc với “giới dân sự” Stephanie hoang mang vô cùng, không phải chỉ bây giờ vì nàng phải bắt đầu mọi thứ từ đầu vì nàng đã bị mang cái tiếng là “làm cấp dưỡng” trong trung đoàn lính Bắc Phi. Trong đáy thâm tâm, Stephanie coi đó là vinh dự, một thứ đáng để nàng tự hào. Nhưng mọi người xung quanh nàng lại không nghĩ như thế. Stephanie sẽ phải “đương đầu” với họ. Tuy nhiên nàng thầm nghĩ, bất cứ trước mặt ai, dù vị trí là thế nào đi nữa, nàng sẽ không bao giờ từ chối việc nàng đã tham gia chiến trường Crimée, bên cạnh Pompette, trong trung đoàn lính Bắc Phi số 3.

Hôm qua Stephanie đã may một tấm áo dài, một chiếc mũ, đôi giày, chiếc xắc, bởi nàng không thể mặc đồng phục cấp dưỡng quân đội để đến nhà Amélie. Chỉ chị là người có thể khuyên bảo nàng đôi điều cần thiết. Hôm nay, trước lúc đi, Stephanie ngập ngừng đôi chút rồi cuối cùng nàng quyết định cởi áo dài ra, mặc lại bộ đồng phục cấp dưỡng quân đội vào người. Nàng thầm tự nhủ:

– Để mai… mai mình hãy đi.

Để lấy lại can đảm, Stephanie nhớ lại câu Amélie đã nói với nàng một lần. Hôm đó phu nhân Resmont bảo nàng:

– Tôi quý chị hơn chị tưởng đấy, Stephanie. Tôi muốn nói với chị rằng bao giờ chị cũng có thể coi tôi là người bạn tin cậy, tận tụy và thông cảm với chị.

Hai chữ “bao giờ” của Amélie nói ra hàm nghĩa “bất kể hoàn cảnh nào”. Nhưng Stephanie đã không viết lá thư nào trả lời bạn. Nàng chỉ đọc ba lá thư của Amélie nàng nhận được đầu tiên. Từ lá thư thứ tư cho đến tất cả các lá tiếp theo, Stephanie đều xé vứt đi, mặc dù Amélie gửi thư rất đều đặn cho nàng.

Do đó Stephanie hoàn toàn không biết tin tức gì ở nhà, bây giờ trở về gia đình nhà chồng, nàng chưa biết, sau khi nhận được tin nàng tử trận, ông bà Dytteville liệu có còn giữ lại căn hộ của nàng không. Suốt thời gian nàng ở ngoài mặt trận, bà Francoise Dytteville không hề viết thư cho con dâu, vì Amélie đã nói với bà rằng Stephanie không muốn nhận thư ai, ngoài thư của chị. Và mẹ chồng nàng đã tôn trọng ý muốn ấy của Stephenie.

Nhưng rất có thể Amélie đã báo tin của nàng cho hai ông bà Dytteville. Vậy thì nàng phải gặp Amélie đã. Nhưng liền sau đó Stephanie lại chợt nghĩ “Bố mẹ chồng ta không thể không nhận ta. Ta là mẹ của hai cháu nội họ: Armand và Charles. Và là con dâu, ta vẫn là một cổ đông của công ty”. Cho dù bố mẹ chồng tiếp đón nàng ra sao, Stephanie quyết định không làm điều gì ảnh hưởng xấu đến hai con nàng.

Stephanie kết luận, người duy nhất nàng có thể hoàn toàn tin cậy là Amélie. Chắc chắn khi nghe tin cuộc chiến tranh Crimée kết thúc, chị đã nóng lòng mong gặp mặt bạn. Vấn đề chỉ còn là Stephanie không đến một mình mà có thêm con chó Cesar. Thôi được, nàng sẽ đến gặp Amélie trước.

8 giờ sáng hôm sau, tay dắt con chó, Stephanie bước ra khỏi cổng trường quân chính, nàng rất khó chịu trong tám áo bó chặt trên ngực, dưới lại xòe rộng với khung lồng bên trong vướng víu. Thêm nữa, đôi giày chật, bó đã lâu nàng không dùng, bây giờ khiến nàng bước đi rất khó khăn. Stephanie quen ở mặt trận, mặc áo quần rộng rãi, thoải mái, đi giày quân nhân mềm mại.

Dọc đường nàng đi ngang qua một cửa hàng đồ chơi thấy có dòng chữ rất to làm nàng ngạc nhiên vô cùng “Cuộc phong tỏa Sebastopol – Trò chơi lý thú cho mọi lứa tuổi, giá thấp nhất: 6 franc!” Thì ra cuộc chiến tranh đẫm máu đã được dân chúng Paris khai thác thành trò chơi. Stephanie nhìn vào tủ kính thấy bày đầy các kiểu hộp carton to nhỏ màu sắc sặc sỡ với các hình thành lũy, pháo đài, quân Đồng minh đang tấn công, cũng như quân đội Nga đang tự vệ…

Stephanie muốn văng ra một câu chửi tục tĩu của binh lính Bắc Phi, nhất là của bác Tubosiquoi. Nhưng nhàng cố gắng ghìm lại, cay đắng và nhẫn nhục đi tiếp về phía biệt thự của gia đình Resmont.

Một gia nhân nàng không biết tên ra mở cổng.

– Bác vào báo Phu nhân Resmont tôi là phu nhân Dytteville đến thăm.

– Bà chủ tôi sáng nay không tiếp khách.

– Chính vì vậy mà tôi đến gặp phu nhân.

– Nhưng hôm nay không phải là ngày tiếp khách của bà chủ tôi.

– Tôi cũng hy vọng như thế.

– Tôi không biết bà chủ tôi có…

-… có tiếp tôi không chứ gì? Bác cứ nói tên tôi với bà chủ bác sẽ thấy. Tôi là phu nhân Dytteville.

Con chó Cesar của Stephanie nhảy bổ đến bác gia nhân, nhưng bị sợi dây níu lại nên nó chỉ sủa vang giận dữ. Bác gia nhân tỏ vẻ khó chịu, đưa mắt lườm “mụ khách” và con chó hung dữ, rồi bực dọc khép cánh cổng, đi vào trong.

Stephanie đứng đợi bên cạnh một cửa sổ. Nàng đang ngắm vườn hoa, sân trời, chuồng ngựa và cố không nghĩ đến điều gì làm nhụt ý chí. Tiếng một cánh cửa trên gác đóng lại, tiếng sột soạt váy áo trên cầu thang làm Stephanie quay đầu lại.

– Stephanie! Stephanie! Ôi, mình mừng quá!

Con chó Cesar gầm gừ.

– Im, Cesar!

Amélie lao đến ôm chầm lấy Stephanie, hôn vào má bạn. Con chó Cesar vẫn còn gầm gừ nhưng lúc này không còn nhe răng hung dữ nữa. Nó đã cảm nhận người lạ kia là bạn thân của chủ nó.

– Vào đây, bạn thân mến! Vào đây!

Amélie mừng rỡ đến mức Stephanie phải xúc động. Chị định kéo nàng vào phòng khách, nhưng Stephanie ngăn lại, trỏ con chó:

– Tôi còn con chó này.

– Ôi, chó của chị đấy à, Stephanie? Chị đem nó ở mặt trận về sao? Ôi, trông nó có vẻ quý chị lắm nhỉ? Thì có sao đâu, dắt cả nó vào! Đi!

Amélie bao giờ cũng nói những câu đáng nói. Stephanie thấy nhẹ cả người. Bao nhiêu căng thẳng, bao nhiêu chua chát, bao nhiêu tự ái về cách người dân Paris coi thường những anh hùng từ chiến trận trở về đột nhiên tan biến hết. Đối với Amélie mọi thứ trở nên đơn giản lạ thường. Chị tiếp bạn mới như hôm qua hai người vẫn còn gặp nhau.

Con chó Cesar đã thôi không gầm gừ nữa. Nó như lắng nghe người phụ nữ lạ kia cầm tay trò chuyện huyên thuyên với chủ nó. Dường như nó đã thấu hiểu tính tình hiền hậu và tốt bụng của bà ta còn hơn cả Stephanie. Amélie đã tước đi mọi thứ vũ khí phòng ngự nàng chuẩn bị sẵn để đối phó. Amélie không đòi hỏi gì ở nàng. Chị kể mới tối hôm qua hai vợ chồng chị còn nhắc đến Stephanie. Achille đã hoàn toàn bình phục những vết thương ngoài chiến trường. Đứa con trai của chị là niềm vui khôn tả của hai vợ chồng chị.
 

Amélie kể hai con Stephanie là Armand và Charles đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn và bà Dytteville, mẹ chồng nàng, thường xuyên đưa hai cháu nội đến đây. Chị cho biết hai ông bà Dytteville hiện ở lâu đài tại nông thôn, nơi có các khu rừng vẫn đẹp tuyệt vời và chắc chắn mọi người đều rất mong Stephanie về.

– Nhưng chị phải ở lại đây với hai vợ chồng tôi vài ngày. Ôi, anh Achille và tôi mong chị vô cùng. Bao giờ chị thuê được đầy tớ, sắm được xe, tậu được ngựa, chị hãy về nhà.

– Nhà tôi ấy à? Amélie?

– Chứ còn gì nữa? Nhà chị vẫn y nguyên như cũ, chỉ có mấy bức rèm hơi bạc màu đôi chút. Chị thấy chưa nhỉ? Rèm ở nhà tôi, tôi đã phải thay rồi đấy.

Stephanie lúc này mới kịp nhìn những tấm rèm cửa sổ của Amélie.

– Đẹp quá! – Nàng khẽ nói.

Trong những câu nói của Amélie, Stephanie không hề thấy một lời trách móc, một câu hỏi nào, chứng tỏ chị biết rõ tất cả mọi chuyện liên quan đến nàng. Tất nhiên Amélie cũng muốn hỏi bạn thêm chi tiết, nhưng chị nghĩ hãy đợi đến lúc Stephanie ổn định cuộc sống mới, hòa nhập được vào xã hội Paris đã.

Sau khi huyên thuyên cho bạn biết những chi tiết chủ yếu tại đây và thấy Stephanie đã trở lại thoải mái, Amélie mới khẽ rụt rè câu hỏi đầu tiên:

– Ôi, nhưng bây giờ chị kể đi, Stephanie. Chị nói về chị đi, Stephanie thân yêu.

– Tôi đã về. Chiến tranh đã kết thúc, có vậy thôi.

– Tôi biết ngoài mặt trận chị được mọi người rất quý. Achille đã kể tôi nghe rồi. Chị biết tính Achille không bao giờ nói dối. Tuy nhiên tôi cảm thấy anh ấy chưa kể hết. Bây giờ gặp chị tôi muốn nghe chị kể về chiến trường, những gian nan, thiếu thốn mà tôi biết là rất ghê gớm. Chị là người chứng kiến và bản thân chịu đựng tất cả những thứ đó. Tôi muốn nghe chính miệng chị kể.

– Ôi, tất cả những thứ đó đã lùi vào dĩ vãng rồi – Stephanie khẽ đáp, trìu mến đặt tay lên đầu con Cesar.

– Tôi không muốn làm chị buồn, Stephanie thân mến. Tôi chỉ muốn để chị thấy là vẫn theo dõi chị, vẫn là bạn tận tuỵ và quý mến chị. Chị có thể thổ lộ nỗi lòng tất cả chuyện gì, bất cứ lúc nào. Tôi sẵn sàng nghe và chia sẻ với chị mọi kỷ niệm vui buồn.

– Ôi, chị tốt quá, Amélie.

Stephanie thở dài, cúi đầu thầm nghĩ “Vậy là Amélie mạnh hơn mình. Chị ấy đã chinh phục được mình”.

Amélie im lăng, tôn trọng dòng suy nghĩ thầm kín của bạn.

Đột nhiên Stephanie ngẩng đầu, nói rành rọt:

– Tôi muốn biết tại sao anh ấy cưới Agnès.

– Nhiều nguyên nhân thúc đẩy lắm, Stephanie thân mến ạ – Amélie bình thản đáp, dường như chị đã đoán trước được Stephanie thế nào cũng sẽ hỏi câu đó – Lúc ở ngoài chiến trường trở về, René rất yếu. Vết thương ở chân mãi không lành. Chỗ xương gãy mãi vẫn chưa lành lại bình thường. Phải mổ đi mổ lại bao nhiêu lần. Thế là phu nhân Lomanais mời anh ấy về nhà họ để chăm sóc. Tôi đã viết trong thư kể chị biết rồi đấy.

– Chị có viết à, Amélie? Tôi không nhận được lá thư đó.

– Tôi biết. Thư bị trả lại cho người gửi với dòng chữ “Người nhận mất tích”. Ít lâu sau tôi nhận được bản danh sách chính thức do René đưa xem. Chẳng là hôm ấy tôi đến biệt thư gia đình Lomanais thăm René và anh ấy thấy vẻ mặt tôi buồn bã đã đưa tôi xem. Anh ấy rất đau khổ vì cho rằng chị bị thiệt mạng là do lỗi của anh ấy. Achille và tôi đã tưởng René không sống nổi. Bệnh tình anh ấy kéo dài quá lâu và anh ấy dường như tuyệt vọng. Hôm đầu tiên anh ấy dậy được và tập đi, tiểu thư Agnès Lomanais đã dìu anh ấy và sau đó…

– Tôi hiểu. Từ bước thứ nhất đến bước thứ hai! Chuyện ấy là tất nhiên rồi. Duy có điều anh ấy biết rằng tôi còn sống, sao anh ấy không…

– Lúc ấy René đã đính hôn với Agnès rồi. Đính hôn chính thức! Lợi dụng lúc René đang yếu, đang cần chăm sóc, bà mẹ Agnès, phu nhân Lomanais đã… 

– Ôi, bà ấy là người nào tôi biết rồi!

– Trong khi đó phu nhân Guichamp khánh kiệt, bán đến cả chiếc trâm cuối cùng… 

– Tôi biết đấy là kỷ vật duy nhất còn lại của bà Guinchamp.

– Bà ta phải bán để sắm nhẫn cưới cho con dâu… một cái nhẫn rất đẹp, rất sang.

– Xứng đáng với cô ta! – Stephanie chua chát nói.

– René cảm động trước sự hy sinh của mẹ, không nỡ thoái hôn. Sau khi René và Agnès cưới nhau được vài tháng thì phu nhân Guinchamp qua đời.

– Bà ấy đã hoàn thành sứ mạng.

– Kìa, Stephanie! – Amélie kêu lên.

– Bà ta, phu nhân Guinchamp, đã làm tròn công việc là gây đau khổ cho con trai và cho tôi, vậy mà chị muốn tôi đền ơn bà ta chăng? Chị còn muốn tôi cầu nguyện cho linh hồn bà ta được yên ổn dưới suối vàng hay sao?

– René đã viết thư báo tin đó cho chị, Stephanie. Anh ấy có đưa tôi nhờ tôi gửi, bởi anh ấy chưa đi ra khỏi nhà được. Chính tôi đã gửi bưu điện lá thư đó cho chị. Nhưng chị không hề viết thư trả lời, cho tôi cũng như cho René.

Stephanie nhắm nghiền mắt lại. Nàng dường như còn nghe rõ tiếng giấy bị nàng xé hôm đó và nàng còn nhìn thấy tất cả những mảnh giấy bay lả tả theo chiều gió. Hôm đó nàng đã xé cùng với lá thư, cả số phận cuộc đời nàng. Lúc đó Stephanie bị ma quỷ nào xui khiến, nàng đã đập một đòn tan tành mọi thứ.

Nàng thầm nghĩ “Làm sao chàng thay đổi được? Cũng như mình, làm sao mình thay đổi tính nết được? Tính tình bao giờ cũng vẫn thế: sôi nổi, mãnh liệt, trong khi René bao giờ cũng vậy: hời hợt, nông cạn và nhu nhược. Trong khi mình vẫn say mê chàng thì chàng lại tin là mình đã chết, dựa ngay vào hai mẹ con Agnès. Có gì lạ đâu? Cả ta lẫn chàng đều ‘trung thành’ với bản chất của mình”.

Đột nhiên Stephanie thấy mệt mỏi vô cùng. Toàn thân nàng rã rời, nàng chán chường đến mức không còn muốn cưỡng lại gì nữa. Lúc này nàng chỉ ao ước một điều là trốn biệt đi đâu đó, lánh xa tất cả mọi người ở đây, chui vào một xó xỉnh nào để được một mình. Hoặc là quay về nhà bếp của trường quân chính, đấy mới thực sự là “nhà” của nàng, là “gia đình” của nàng.

Stephanie lẩm bẩm một lời cáo lỗi rất khẽ:

– Amélie, tôi phải về thôi. Mai tôi lại đến thăm chị, có lẽ thế.

– Tôi hiểu, Stephanie. Nhưng… Achille sẽ buồn lắm đấy. Anh ấy rất mong gặp chị. Tôi đã tưởng có thể giữ chị lại ăn bữa trưa với vợ chồng tôi.

– Tôi ở lại thế nào được, tôi phải về nấu ăn cho mọi người.

Amélie không nằn nì. Chị chỉ thở dài thông cảm:

– Achille sẽ trách tôi ghê gớm là không giữ chị ở lại. Nhưng chị nói đúng, bao nhiêu người ở đó đang chờ chị. Không có ai ở đó có thể thay chị được.

– Chúng tôi có hai người, Amélie. Ngoài tôi còn có cô Marinet. Nếu tôi không về, cô ấy sẽ “quán xuyến” mọi công việc. Lúc đi tôi có dặn cô ấy là có thể tôi đi xa và không về kịp.

– Tuỳ chị, Stephanie. Chị ở lại với chúng tôi thì Achille và tôi sẽ rất mừng.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, Achille bước vào phòng khách. Anh sững người lại khi nhìn thấy Stephanie. Sau đó anh reo lên và chạy đến bên nàng:

 

– Stephanie! Sao mà tuyệt vời thế này! Từ hôm được tin cô bình yên, ngày nào vợ chồng tôi cũng nhắc đến cô và mong gặp cô. Đúng thế không em, Amélie? 

Amélie gật đầu, mỉm cười nhìn chồng và bạn bắt tay nhau mạnh mẽ như hai quân nhân bắt tay nhau ngoài chiến trường.

– Ôi, tôi sung sướng vô cùng được gặp lại cô, Stephanie! Hay quá, vậy là cô đã trở về! 

– Và chúng ta phải giữ chị ấy ở lại đây. Đúng không anh? Stephanie sẽ ở lại nhà mình.

– Đúng quá đi rồi. Bé Quille đâu? – Achille quay sang hỏi vợ. 

– Sao lúc nào anh cũng hoảng hốt như vậy? Anh yên tâm, nó hoàn toàn khỏe mạnh – Amélie âu yếm đáp. 

– Quille là con trai chúng tôi – Achille nói rồi nhìn con chó – Còn bạn này tên là gì? 

– Cesar – Stephanie đáp. 

Nghe đến tên mình, con chó sủa lên vài tiếng. 

– Im nào, Cesar. 

– Vậy là một tù binh chó được cô đem vềParis? – Achille vui vẻ nói. 

– Nó đã cứu sống tôi đấy, Achille! 

– Ôi, nếu vậy thì nó đáng được tất cả chúng ta trân trọng. 

Stephanie bật cười. Câu của Achille hàm ý “Nhờ nó mà chúng tôi được hưởng niềm hạnh phúc gặp cô hôm nay”. 

– À, nhưng cô thấy bé Quille của chúng tôi chưa? 

Amélie vội đáp thay bạn: 

– Ôi, em mừng quá đâm quên béng đi mất, chưa đem con ra cho Stephanie xem mặt. 

Nói xong, Amélie chạy ra ngoài và quay vào liền, bế trên tay một đứa bé xinh xắn, đang nép đầu vào cổ mẹ nó. 

Stephanie bỗng nhói đau trong lồng ngực. Nàng chợt nhớ đến hai con và muốn bay đến đó gặp chúng ngay. Nhưng không được. Đành phải chờ. Phải để Amélie tiến hành các bước đi cần thiết. Achille xuất hiện làm đảo lộn mọi ý nghĩ của Stephanie. Nàng nhớ đến vết thương của anh nhưng không dám hỏi thăm, không biết vết thương đó có làm cho Achille đau đớn không? Mọi chuyện đều phải gác lại đã. Nàng nhớ lần cuối cùng nàng gặp Achille. Hôm đó anh bị nhát kiếm chém suốt từ bả vai đến háng, người đầy máu, nằm giữa những xác chết, những thương binh rên rỉ. Rồi nàng nhớ lại Achille trong bộ quân phục sĩ quan hồi chưa xảy ra chiến tranh và bỗng thấy bãi chiến trường Crimée xa vời vợi. Bây giờ Achille đã trở lại hình dạng của anh xưa kia, điều đó gợi lên trong lòng Stephanie bao ý nghĩ quay cuồng. 

Sự xuất hiện của Achille gợi lên trong lòng Stephanie cảm giác nàng sắp phải trở lại cuộc sống ngày xưa. Nàng cảm thấy mình như con cá đang chui vào rọ và sẽ không bao giờ thoát ra được nữa. Mọi người xung quanh đã chuẩn bị để đưa nàng vào tròng. Cả Achille và Amélie cũng đang đan những mắc rọ để nhốt nàng vào trong. Họ đan một cách lặng lẽ, không phải chỉ vì tình bạn mà phải nhận đó là tình yêu, lòng quý mến tận tình. Stephanie vừa hỏng sợ, vừa xúc động. 

Nàng thầm nghĩ “Họ đang trói buộc ta chính vì họ yêu ta. Ta chẳng nên làm họ thất vọng. Ta là ai? Chỉ là một kẻ bị ruồng bỏ, một nữ cấp dưỡng. Họ băn khoăn cho ta trong khi ta chẳng hề băn khoăn chút nào! Sẽ không bao giờ ta từ bỏ cô cấp dưỡng Phanie, Phanie Mourlon, từ bỏ Pompet, Tuboisquoi cũng như các đồng đội Bắc Phi. Nhưng ta lại là phu nhân Dytteville. Bao nhiêu người mong đợi ta. Rồi hai đứa con yêu quý của ta, chúng cũng mong mẹ chúng trở về. Vì các con, vì gia đình, ta đành phải chui vào cái rọ ấy. Không còn cách nào khác”. 

Stephanie quay nhìn Achille và đứa con trai xinh xắn đang đứng nhìn nàng như chờ đợi điều gì đó. 

– Cô cầm lấy quả bóng đánh ki này, Stephanie. Rồi lăn bóng đến cho cháu. 

Stephanie đỡ quả bóng nhỏ trong tay Achille, liệng nhẹ trên sân nhà về phía đứa trẻ. Khi quả bóng lăn đến gần chân nó, thằng bé reo lên mừng rỡ. 

– Đánh ki! Đánh ki! – Vừa hét nó vừa vỗ tay đôm đốp. 

Bây giờ Stephanie mới hiểu tại sao hai vợ chồng Achille và Amélie gọi con trai họ là Quille: Môn đánh ki! 

– Cô thấy chưa, Stephanie? Từ hôm đi chơi trên đại lộ Champs Elysees thấy người ta đánh ki, thằng bé không thích chơi gì khác ngoài môn này. Cô liệng tiếp quả bóng cho nó và nó yêu cô ngay đấy. Bây giờ mọi người đều quen gọi nó là thằng Quille. 

– Cesar! – Stephanie sai con chó – Ra cầm bóng về đây. Nhẹ nhàng thôi… Nhẹ nhàng thôi. 

Cesar quay đầu nhìn quả bóng, rồi như thể do dự, bước tới cầm quả bóng về đặt dưới chân cô chủ, rồi ngẩng đầu nhìn nàng vẻ chờ đợi. 

– Con chó của cô khôn quá – Achille lẩm bẩm nói. 

– Đúng thế. Vài hôm nữa, khi nó đã quen với bé Quille, tôi sẽ bảo nó trông nom bé và không ai trêu chọc gì được bé nữa đâu. Hồi ở chiến trường, nó canh cổ xe cấp dưỡng cho tôi rất chu đáo. Nó chỉ có một khuyết tật là rất ghét ngựa. Cứ chơi kiểu này thì chẳng mấy chốc con Cesar sẽ quen với bé Quille và bé cũng sẽ quen với con chó. 

– Có nghĩa, cô đến đây bao giờ cũng phải dắt theo con Cesar? 

– Đúng thế. 

– Tốt thôi, nhưng lúc nào cũng phải buộc dây cẩn thận đấy. 

Stephanie bật cười, tiếp tục chơi bóng với đứa bé. Con Cesar chừng như hiểu biết, mỗi lần đến gần đứa bé nó đều tỏ vẻ hết sức hiền lành để khỏi làm đứa bé sợ. Thấy vậy, Achille dần dần cũng mến con chó và thấy nó không xấu xí như lúc đầu anh nhìn thấy nữa. 

Stephanie thấy rõ Achille muốn chìu chuộng nàng. Suốt bữa ăn, anh ta luôn miệng kể đủ thứ chuyện về thành phố Paris, coi như nàng chưa hề rời khỏi đây một ngày nào. Khi nói đến những bạn bè của nàng, Achille nói như kiểu nàng vẫn thường gặp họ trong những ngày qua. 

Lúc ngồi ăn tráng miệng và uống cafe sau bữa ăn, Stephanie nói: 

– Sau đây tôi phải về trường quân chính. Bởi tôi đã xuất ngũ đâu? Tôi vẫn còn ở trong quân đội kia mà. 

– Ôi, chuyện ấy chẳng khó khăn gì hết. Chị cứ yên tâm, Stephanie – Achille nói – Tôi sẽ đến đó và nếu cần, cha tôi can thiệp thêm nữa. 

– Tôi sẽ trao cho anh giấy tờ nhập ngũ của tôi – Stephanie nói, tay nhấc chiếc xắc – Nếu cần tôi phải làm chứng trong nửa tháng, một tháng, tôi xin sẵn sàng. Tôi cần có giấy tờ hợp pháp, đầy đủ mọi văn bản chứng nhận, nhưng anh đừng quên, tên tôi ở quân đội là Stephanie Mourlon đấy nhé. 

Amélie hiểu rằng việc chị và Achille bảo trợ cho Stephanie cần được sự đồng ý của gia đình nhà chồng nàng. Chị bèn thảo một bức thư gửi Dytteville, mẹ chồng Stephanie, báo tin con dâu bà đã trở về, khỏe mạnh và hai vợ chồng xin phép bà đề Stephanie sống tạm với họ, trong khi chờ đợi sửa sang ngôi nhà của nàng. 

Ngay sau đấy Amélie cho người đem thư đến bà Dytteville và mời bà ngày mai đến gặp hai vợ chồng chị.

Mời các bạn đón đọc a của tác giả Marcel Gobineau.

Download ebook


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! Stephanie có sắc đẹp cổ điển, nhưng hơn thế, nàng có một trái tim đam mê. Ham thích mạo…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close